Theo ghi nhận của VTV, càng tới gần những ngày lễ Tết, nhu cầu mua rượu vang của người dân thế giới càng tăng lên. Rượu được dùng để làm quà tặng, được dùng vào những buổi tiệc Giáng sinh, chào đón năm mới. Chính vì thế, đây cũng là thời điểm để những chai rượu vang giả, kém chất lượng trà trộn vào bàn ăn của mỗi gia đình. Tuy nhiên, vào những dịp này, mới chính là thời điểm mà những chai rượu vang giả, kém chất lượng có cơ hội trà trộn vào bàn ăn của mỗi gia đình.
Theo ghi nhận tại Berry Brothers, nhà bán buôn rượu vang lâu đời nhất tại Vương quốc Anh, ở đây có hàng nghìn thùng rượu vang ngon thượng hạng, trị giá lên tới hàng tỷ USD.
Tết đến nhu cầu mua rượu vang của người dân thế giới càng tăng nên rượu giả, kém chất lượng được dịp tung hoành. Ảnh: VTV |
Để ngăn chặn những chai rượu giả xâm nhập vào nơi này, ông Philip Moulin, nhà quản lý hầm rượu, lúc nào cũng phải cầm kính lúp soi thật kĩ như một cảnh sát điều tra thứ thiệt. Với 20 năm kinh nghiệm, người đàn ông này sẽ có thể tìm ra những lỗi nhỏ nhất của những chai rượu kém chất lượng.
Nhằm bảo vệ danh tiếng của hầm rượu vang, những chai rượu dù mẫu mà đẹp nhưng chỉ cần một lỗi sai rất nhỏ cũng sẽ bị loại bỏ. Thế nhưng không phải ai cũng có thể mua hàng tại Barry Brothers, và cũng không phải hầm rượu vang nào cũng có những "cảnh sát" rượu như thế. Đối với người mua hàng bình thường, họ dễ dàng trở thành nạn nhân của rượu giả, rượu kém chất lượng.
Theo CNN, người dân Trung Quốc có nhu cầu sử dụng rượu vang cao hơn bao giờ hết. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, họ đã chi ra 1,8 tỷ USD vào những chai rượu vang. Và họ cũng phải đối mặt với khả năng mua phải rượu giả cao.
Còn tại Việt Nam, báo VnExpress đưa tin, theo đại diện Chi cục Quản lý Thị trường TP. HCM đánh giá, giáp Tết Nguyên đán, việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, trong đó, mặt hàng bia rượu có xu hướng tăng.
Đối với sản phẩm bia rượu nhập khẩu, khó khăn vẫn là vấn đề kiểm tra, kiểm soát tem nhãn. Hiện nay, các sản phẩm rượu sản xuất trong nước, rượu nhập khẩu đều phải dán tem trên bao bì. Nhưng ngay cả các mẫu tem này còn bị làm giả với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số cơ sở sản xuất rượu trong nước cũng dán tem giả, tem nhập khẩu để thay đổi xuất xứ của sản phẩm nhằm đánh vào thị hiếu chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng
Rượu vang là mặt hàng được làm giả nhiều nhất. Ảnh minh họa |
Theo Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) cũng cho rằng, sức tiêu thụ rượu vang ngày càng tăng nên thị trường này trở thành "miếng bánh" hấp dẫn với những người chuyên kinh doanh gian lận để kiếm lời. Hàng năm, Chi cục Quản lý thị trường trên địa bàn Hà Nội kiểm tra, thu giữ số lượng rất lớn vang giả, đặc biệt là vào dịp cận Tết.
Vang giả do các đối tượng kinh doanh thu mua lại vỏ chai những thương hiệu nổi tiếng rồi cho loại rượu phẩm chất kém hoặc vang nội rẻ tiền vào, sau đó đóng nhãn mác mới, giả làm hàng ngoại nhập, chất lượng cao. Những sản phẩm này thường không xuất hiện tại các địa điểm kinh doanh lớn, có uy tín, nhưng rất dễ bỏ vào các gói quà Tết vẫn được bán tràn lan trên thị trường.
Đại diện Ban 389 cho rằng, không chỉ các đơn vị chức năng mà ngay cả hãng sản xuất, nhập khẩu vang đang hoạt động trong nước cần tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ đối với hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối các sản phẩm của mình nhằm loại bỏ việc trà trộn sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng.
Do đó, người dùng cũng nên bớt tâm lý sính ngoại để không rơi vào bẫy những người kinh doanh hàng giả. Nên đến các điểm kinh doanh có uy tín để mua, tránh các cửa hàng bán rượu mác ngoại giá rẻ. Đây thường là nơi dễ trà trộn hàng giả, hàng nhái.