Thứ 6, 22/11/2024, 04:12 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Thâm nhập "ổ" đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy - Kỳ 2: Tín dụng đen đằng sau đa cấp

Thâm nhập "ổ" đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy - Kỳ 2: Tín dụng đen đằng sau đa cấp
(Tieudung24g.net) - Để dụ " con mồi" bằng cách " tạo điều kiện" cho ông Ân có thêm khoản tiền nộp vào để mua thêm các mã sản phẩm của Thiên Ngọc Minh uy bằng cách cho vay tín dụng đen.

Để thực hiện được kế hoạch tận thu con mồi đa cấp bằng mánh cướp nhà, những nhân sự của công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy đã kết hợp "làm ăn" với những tay anh chị "có số má" trong giới tín dụng đen...

Mồi nhử = tiền tỷ + danh vị trưởng phòng

Như đã phản ánh tại bài trước, từ tháng 4/2015 đến tháng 11/2015, cụ Đặng Văn Ân đã bỏ ra 1,85 tỷ đồng để tham gia vào hệ thống đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy dưới hình thức mua 165 mã hàng dưỡng sinh của công ty này.
Đổi lại, cụ Ân nhận về hơn 350 triệu đồng tiền hoa hồng phát sinh. "Vị chi, vụ đầu tư của tôi lỗ 1,5 tỷ đồng trong vòng 7 tháng" - cụ Ân chua chát tổng kết.

"Lỗ là vậy nhưng bố tôi vẫn say và tin lắm! Vậy nên mới có chuyện các đối tượng làm trong Thiên Ngọc Minh Uy là Thực và Tuần đến chúc Tết rồi tiện lừa ông cụ sang tên sổ đỏ cho tín dụng đen để có 700 triệu đồng mua 54 mã sản phẩm để cụ được lên chức trưởng phòng" - anh Thắng, con trai cụ Ân nói.

"Khi đến nhà tôi chơi, Thực và Tuần nói với tôi rằng tôi chỉ cần mua thêm 54 mã nữa là tôi có thể lên chức Trưởng phòng có hàng ngàn người thuộc tuyến dưới và chế độ đãi ngộ và hoa hồng cao hơn rất nhiều.

Để mua 54 mã này tôi phải bỏ ra 685 triệu đồng. Chỉ trong 5 tháng là tôi có thể lấy lại gần 700 triệu đồng tiền gốc. Sau đó thì cứ ngồi mà đợi tiền tỷ rơi vào đầu. Nghe thì bùi tai nhưng tôi thú thực với hai anh đó là tôi đã cạn sạch tiền" - cụ Ân kể lại.

Cũng theo lời cụ Ân, lúc này, Thực và Tuần bắt đầu dò hỏi về các của chìm, của nổi của cụ. Cụ Ân thật thà trình bày là mình chỉ còn đứng tên tài sản đáng giá duy nhất là mảnh đất gần 100 m2 và nhà ở kiên cố trên đất tại ngõ Trần Quý Cáp, Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên, việc vay ngân hàng bằng hình thức cắm sổ đỏ trên vào là bất khả thi nếu không có các con cụ Ân ký vào hồ sơ.

Thâm nhập "ổ" đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy - Kỳ 2: Tín dụng đen đằng sau đa cấp

"Lúc này, Thực và Tuần mới nói bọn họ rất thân với ngân hàng, có thể vay mà không cần các con tôi ký tá. Đặc biệt, các anh ấy dặn là không để các con tôi biết, dễ hỏng việc. Tôi đã thấm nhuần "nguyên tắc bảo mật" này từ khi tham gia vào Thiên Ngọc Minh Uy nên cũng không lăn tăn gì. Một ngày giữa tháng 2/2016, Thực và Tuần đến nhà đón tôi cùng sổ đỏ đi vay ngân hàng" - cụ Ân nhớ lại.

"Tới ngày 17/2/2016, Tuần và Thực dẫn tôi tới một văn phòng công chứng trên Q.Hai Bà Trưng rồi đưa tôi một mớ giấy tờ và nói tôi ký, điểm chỉ vào đó. Bình thường, mắt tôi đã kém, muốn đọc chữ phải dùng kíp lúp mới đọc được và cũng do tin tưởng tuyệt đối nên họ bảo ký đâu thì tôi ký, điểm chỉ thì tôi điểm chỉ ở đó. Sau đó, Tuần nói với tôi là tôi đã được sở hữu thêm 54 mã sản phẩm, tôi được lên chức trưởng phòng" - cụ Ân kể.

Khi cụ Ân đang lâng lâng với danh vị mới tại Thiên Ngọc Minh Uy và chờ đợi những khoản tiền khổng lồ chảy vào túi mình thì hung tin ập đến với gia đình cụ: Cụ đã mất đất, mất nhà!

Ma trận tín dụng đen

"Sự việc bắt đầu được gia đình tôi phát hiện từ chiều ngày 7/3/2016. Khi đó, có một người đàn ông đến nhà bố tôi và đòi xem đất, nhà để thẩm định mua bán gì đó. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại là sao lại xem nhà bố tôi thì người đàn ông này nói căn nhà đó đã không phải là nhà của bố tôi nữa.

Sau đó, họ xuất trình giấy tờ công chứng sang tên đổi chủ của mảnh đất thì chúng tôi thấy chủ mảnh đất là vợ chồng ông tên Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà, có địa chỉ thường trú tại phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội. Lúc này, cả đại gia đình tôi choáng váng, hoảng loạn" - anh Thắng, con trai cụ Ân kể lại.

Cũng theo lời anh Thắng, lúc này, mọi người bắt đầu hỏi chuyện cụ Ân thì mới rõ tình tiết người của Thiên Ngọc Minh Uy đưa cụ Ân đi vay tiền tại ngân hàng.

"Cả nhà lờ mờ đoán được mấu chốt vấn đề nằm ở hai nhân sự của Thiên Ngọc Minh Uy là Thực và Tuần. Chỉ có hai người đó mới biết mảnh đất của bố tôi đã được đổi chủ như thế nào" - vẫn lời anh Thắng.

Để làm rõ vấn đề, các con cái trong gia đình cụ Ân đã tìm tới tất cả các nhân vật liên quan để bằng mọi giá đòi lại nhà, đất.

"Đầu tiên là gặp Thực và Tuần, hai người này thừa nhận dẫn bố tôi đi vay tiền, đi công chứng để sang tên sổ đỏ và sang tên cho bố tôi 54 mã hàng trong Thiên Ngọc Minh Uy. Họ vẫn khăng khăng là dẫn bố tôi đi vay ngân hàng. Lúc này, dù rất ức chế nhưng tôi và gia đình xác định phải gom tiền lấy lại mảnh đất, nhà nên đã đề nghị Thực và Tuần cho trả lại 54 mã hàng bố tôi vừa mua. Họ đồng ý nhưng khấu trừ của bố tôi hơn 40 triệu đồng" - anh Thắng kể.

Nguyễn Trí Thực, 1 trong 2 nhân sự của Thiên Ngọc Minh Uy bày mê hồn trận tín dụng đen “cướp” nhà của ông Ân

"Gia đình tôi tiếp tục tìm đến gặp vợ chồng ông Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà - hai người "chủ mới" của mảnh đất trước đó là của bố tôi. Lạ thay, họ nói họ không có quyền quyết với mảnh đất và nhà trên đất đó, dù họ đứng tên.

Gia đình tôi xin số liên lạc của người có quyền quyết để liên lạc làm việc cụ thể. Sau khi có được số máy này, tôi vội kết nối thì được họ tiết lộ rằng họ là dân kinh doanh tài chính tư nhân, là người đứng ra giải ngân tiền cho ông cụ nhà tôi" - anh Thắng nói tiếp.

"Lúc này, tôi dùng tất cả các mối quan hệ từ cơ quan bảo vệ pháp luật, tới bắt mối với các anh chị bên ngoài . Tất cả đều khuyên tôi muốn lấy lại nhà, đất thì phải mềm trước đã vì về mặt bản chất pháp lý, đất của bố tôi đã được sang tên cho người khác, có công chứng hẳn hoi thì đất là của họ rồi" - anh Thắng nói thêm.

Nhờ sự can thiệp từ tứ phía, gia đình anh Thắng lấy lại được sổ đỏ. Theo sự sắp xếp của người giải ngân, anh Thắng đưa cụ Ân ra văn phòng công chứng để làm lại thủ tục chuyển nhượng.

Lúc này, giấy tờ chuyển nhượng đất theo chiều chuyển ngược lại cho cụ Ân đã được "chủ sở hữu" là ông Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà ký sẵn để lại phòng công chứng. Cụ Ân chỉ việc ký vào giấy tờ trên là hoàn thành thủ tục công chứng.

"Có một người khác được giới thiệu là "đàn em" của người cho bố tôi vay ra lĩnh lại 700 triệu đồng mà họ đã giải ngân trước đó. Tính cả chi phí phát sinh, nhờ vả quan hệ, gia đình tôi cũng mất vào vụ "chuộc" lại quyền sử dụng đất cho bố tôi khoảng 300 triệu đồng. Nhưng thế là còn may chán vì đất là tổ tiên, hương hỏa, giá bán ra không dưới 6 tỷ đồng" - vẫn lời anh Thắng.

Để tìm hiểu rõ hơn "mánh khóe" làm ăn của đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy, phóng viên Báo điện tử Người Tiêu Dùng đã nhập vai, "nộp" mình vào bẫy đa cấp này để vạch trần chân tướng lừa đảo. Mời tiếp tục theo dõi ở kỳ sau.

Theo nguoitieudung.com/tieudung24g.net

 

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.26080 sec| 836.273 kb