Chủ nhật , 24/11/2024, 04:57 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Sau 10 năm nợ 3.000 tỷ đồng, nhà máy giấy “nằm” chờ thanh lý

Sau 10 năm nợ 3.000 tỷ đồng, nhà máy giấy “nằm” chờ thanh lý
(Tieudung.vn) - Công ty chuyên về vận tải, không liên quan gì đến lĩnh vực sản xuất giấy được Bộ Tài chính bảo lãnh vay vốn, xây dựng nhà nhưng sau 10 năm hoạt động, họ không những không tạo ra một tờ giấy thành phẩm nào mà còn mang số nợ lên tới 3.000 tỷ đồng…

Sau 10 năm điều chỉnh vốn đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng, nhưng Nhà máy Bột giấy Phương Nam (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) vẫn chưa hề một lần hoạt động với lý do công nghệ không phù hợp nên không thể sản xuất được giấy thành phẩm.

Ngày 4/7, Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, Nhà máy Bột giấy Phương Nam đến nay vẫn chưa được thanh lý và toàn bộ vùng nguyên liệu đay đã bị xóa sổ vì hơn 10 năm nay, nhà máy này không hề hoạt động.

Công ty về giao thông vận tải chuyển qua sản xuất giấy…

Theo hồ sơ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, do ông Phan Thanh Nam làm Tổng giám đốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.487 tỷ đồng - Bộ Tài chính bảo lãnh để vay vốn.

Theo tìm hiểu, vào tháng 10/2003, dự án đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt khả thi, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng, dùng công nghệ PR - C - APMP, thiết bị được chế tạo đồng bộ, mới 100% và hình thức triển khai là chìa khóa trao tay.

Tháng 3/2006, Tracodi đã khởi công xây dựng Nhà máy Bột giấy Phương Nam với công suất 100.000 tấn bột giấy/năm cùng với lời quảng bá “sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu.Tuy nhiên,sau hơn một năm xây dựng nhưng nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn chưa thể đi vào hoạt động .

Đến tháng 11/2007, Tracodi có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án lên 2.286 tỷ đồng, nhưng Dự án vẫn chưa thể hoàn tất đầu tư.

Liên quan đến vùng nguyên liệu, trong năm 2007-2008, trong quá trình thực hiện dự án, Tracodi  phát động nông dân trồng đay nguyên liệu, với vùng đay chuyên canh được quy hoạch tại ba huyện khu vực Đồng Tháp Mười là Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh được nâng từ 3.100ha vọt lên 8.800ha. Đặc biệt, 10.000ha đất trồng lúa thuộc hai huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa (Long An) có năng suất thấp được người dân chuyển sang trồng đay phục vụ nhu cầu nhà máy.

Vào tháng 6/2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được chuyển từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Để rành mạch công việc được triển khai của Tracodi, cơ quan kiểm toán độc lập đã được mời vào đánh giá.

Theo đó, tính tới ngày 30/6/2009, phần việc của Tracodi đã thực hiện tại Dự án là khoảng 60%, cụ thể là 35% giá trị xây lắp (trị giá 38,8 tỷ đồng) của nhà sản xuất chính; Khu xử lý nước thải 40% (với giá trị 36 tỷ đồng); Nhà văn phòng hoàn thành 40% (giá trị 8 tỷ đồng); Nhà ở công nhân hoàn thành 30% (giá trị 6 tỷ đồng).

Cũng tính tới ngày 30/6/2009, tổng giá trị đầu tư của Dự án là 2.033 tỷ đồng, Dự án đã được bố trí nguồn vốn là 2.021 tỷ đồng, đây cũng là số tiền thanh toán cho các nhà thầu tham gia Dự án.

Nhà máy giấy Phương Nam đang chờ thanh lý
Nhà máy giấy Phương Nam đang chờ thanh lý.

Mâu thuẫn với nông dân – Máy móc hư hỏng không thể tiếp tục ?

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động cầm chừng thì đến cuối năm 2009 nhà máy tạm ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự mâu thuẫn về giá mua nguyên liệu với người trồng đay, nhưng chủ yếu là máy móc liên tục bị trục trặc nên toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử được.

Với giá mua đay nguyên liệu thấp, ngay từ khi đưa vào hoạt động nhà máy đã bị nông dân phản ứng. Lúc này, UBND tỉnh Long An đã phải vào cuộc can thiệp để giải quyết mối quan hệ “xấu” đi giữa Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam với người trồng đay. Nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều lời hứa sẽ nâng giá mua đay và mua tất cả sản lượng trong vùng quy hoạch... nhưng tất cả chỉ là lời hứa trong khi nhà máy vẫn ì ạch với việc chạy thử. Sản lượng đay trong vùng quy hoạch cũng giảm dần vì người dân mất niềm tin vào một dự án chuyên canh đay lớn nhất nước có thể đem lại nguồn lợi kinh tế cho vùng đất cằn cỗi.

Vinapaco đã mời chuyên gia nước ngoài sang và các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam tham gia khắc phục sự cố trong khâu chặt mảnh. Đồng thời, Viện Giấy và xenluylo cũng đã tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng.

Tuy nhiên, tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định: Không có khả năng khắc phục được sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.

Nhà máy sửa chữa nhiều lần nhưng không thể sản xuất được giấy thành phẩm. Lưu kho đến năm 2011, hơn 11.000 tấn đay mục nát, hư hỏng. Ông Nguyễn Xuân Hồng nói: “Công nghệ không phù hợp nên có sửa chữa hay cải tiến thì cũng không được”.

Còn ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An xác nhận: “Cả tỉnh Long An không còn cây đay nào. Vùng nguyên liệu đay đã bị xóa xổ”.

Đối lập với sự chậm chạp của tất cả các công đoạn, thì việc tiêu tiền cho mua máy móc thiết bị của Tracodi lại rất nhanh nhẹn! Theo kết quả kiểm toán độc lập, gói thầu mua sắm thiết bị được ký với nhà thầu Andritz đã được thực hiện đầy đủ, toàn bộ thiết bị đã được tập kết về mặt bằng nhà máy và “hầu hết vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện, chưa được kiểm tra thực tế” và tất nhiên chưa được lắp đặt, chạy thử, nhưng Tracodi đã ký biên bản nghiệm thu và thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho nhà thầu Andritz. Toàn bộ giá trị thanh toán đó lên tới 57,097 triệu euro.

Ngay khi nhận thấy nhà máy có dấu hiệu “đóng băng”, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã phải vận động người dân tạm thời ngừng trồng đay để tránh tình cảnh không có đầu ra. “Nhưng vẫn còn rất nhiều người dân phải trồng đay vì trên thực tế thổ nhưỡng vùng đất này không trồng đay thì không còn biết trồng cây gì khác. Điều đáng tiếc là lẽ ra một mô hình mẫu về đay sẽ được vận hành tốt, đem lại nguồn lợi cho kinh tế vùng nông nghiệp vốn khó khăn thì trên thực tế lại thành ra hoang phí tiền xây dựng nhà máy lẫn mất niềm tin nơi người dân” - ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An nhận xét.

Tags:
4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.20901 sec| 831.859 kb