Ngộ độc methanol - không nên xem thường
Báo Công Lý dẫn thông tin từ TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, methanol là một loại cồn công nghiệp. Bản thân Methanol là chất độc có độc tính thấp nhưng khi được đưa vào cơ thể người, nó sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic axit nhờ men acetaldehyde dehydrogenase.
Chính những chất này gây độc cho gan, thận gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Có những người uống rượu này lâu ngày có thể mờ mắt dẫn đến mù lòa. Bản chất của loại rượu độc này không khác cồn nhiều, nên những nguy cơ đối với sức khoẻ là dễ hiểu.
Độc tính của Methanol tác động chủ yếu lên thần kinh (nhất là thần kinh điều khiển thị giác) nên thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc.
Nguyên nhân bước đầu được xác định trong vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu là do rượu chứa chất methanol vượt ngưỡng. Ảnh minh họa |
Biến chứng khi ngộ độc methanol
BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, thông thường nồng độ methanol trong máu ở ngưỡng 20mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh nhưng những bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp thì thường từ 120-200mg/dl.
Khi bị ngộ độc methanol, tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau như: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói và có các biểu hiện thần kinh như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê, co giật và kèm theo các triệu chứng về mắt như nhìn không rõ, không phân biệt màu sắc, sợ ánh sáng, giãn đồng tử…
Sau 18 - 24 giờ, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng hô hấp như thở nhanh, nôn, khó thở, tím tái, suy hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp.
Cách nhận biết rượu chứa chất methanol
Báo VnExpress đưa tin, theo các chuyên gia, về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp. Đối với cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... Ngoài ra có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt.
Cũng theo chuyên gia gợi ý, một cách khác có thể áp dụng khá chính xác là có thể đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt. Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt.
Uống rượu là một trong những nét văn hóa của người Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên nên sử dụng rượu bia ở chừng mực nhất định, không lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và trật tự an ninh xã hội.
Để phòng ngộ độc rượu, các bác sĩ khuyên người dân nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Nhiều người chủ quan cho rằng say rượu không nguy hiểm. Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Nếu uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol, sau 1-2 ngày bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong.