Nhan nhản các mặt hàng đồ uống được bày bán trên vỉa hè. |
Khốn khổ vì đồ uống vỉa hè
Bạn đọc Nguyễn Thanh Thúy ở phường 12, Quận Gò Vấp vừa phản ánh với Tieudung24h.vn: Con gái chị là Trần Hồng Châu học sinh lớp 11 vừa phải đi bệnh viện cấp cứu vì tiêu chảy cấp và đau bụng dữ dội.
Tại bệnh viện khi khám bệnh, bác sĩ có hỏi cháu Châu thì cháu có cho biết trong lúc chờ người nhà tới rước cháu có uống 1 chai “nước sâm” bán trên xe đẩy ngay cổng trường với giá 7.000đ và 1 bịch “bánh tráng trộn” với giá 5.000đ. Sau khi ăn thì thấy đau bụng và phải nhập viện cấp cứu. Hiện cháu Châu đã bình phục sức khỏe nhưng gia đình “cấm tiệt” cháu việc ăn và uống nước bày bán trên vỉa hè.- Chị Thúy cho biết
Từ thông tin chị Thúy phản ánh Phóng viên Tieudung24h.vn ghi nhận: Tại TP.HCM do khí hậu nắng nóng, oi bức khiến rất nhiều người đi đường hoặc là học sinh sinh viên mua các loại đồ uống: như nước sâm, nước mía, trà đá, nước chanh, nước tắc….
Chính vì thế mà hầu như tuyến đường nào cũng nhan nhản các mặt hàng đồ uống được bày bán trên vỉa hè … Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù rất nhiều các điểm bán đồ uống trên vỉa hè (chủ yếu là các loại xe đẩy) thế nhưng những người đi đường dừng xe lại mua khá đông.
Anh Trần Ngọc, một người vừa dừng xe mua “sâm lạnh” tại góc đường Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ cho biết: Nắng nóng quá nên tạt vào mua nước sâm lạnh uống cho tiện. Mặc dù không biết nguồn gốc chế biến thế nào, nhưng mỗi chai sâm lạnh loại 500ml ở đây bán tới 12.000đ. Anh Ngọc cho biết thêm là thấy người ta bán thì mình mua chứ không biết có đảm bảo an toàn không. Chủ yếu uống cho đã khát và tiện. Nếu vào quán vừa mất thời gian vừa tốn tiền nhiều hơn …
"Nước mía siêu sạch" được bầy bán nhếch nhác trên vỉa hè. |
Tương tự, tại gần góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn đối diện Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm) chúng tôi ghi nhận cũng có rất nhiều hàng xe đẩy bán nước mía với quảng cáo “nước mía siêu sạch”. Ghé vào đây hỏi mua, chủ hàng nói giá 8.000đ/ly.
Tuy nhiên kế ngay đó chúng tôi thấy những đống mía “siêu sạch” đang được ruồi đậu rất nhiều… thấy vậy chúng tôi hỏi có nước uống khác không thì người bán hàng chừng 40 tuổi đưa ra nào nước sâm, nước nha đam thậm chí cả … mủ trôm đường phèn đóng chai sẵn sàng chỉ việc uống.
Mặc dù hàng nước trên kinh doanh đồ uống giải khát nhìn khá mất vệ sinh nhưng không hiểu sao lại có nhiều người đi đường ghé vào mua. Khách “giải khát” xong rồi lên xe đi ngay mà không có mấy ai quan tâm đến tình trạng dơ bẩn ở xung quanh.
Trên tuyến đường Tôn Đức Thắng cũng có khá nhiều xe nước mía bày bán từ nhiều năm qua. Do nằm ngay đầu hẻm, nơi ngưng tụ của nước thải cộng với mùi thơm ngọt từ xác mía, xung quanh xe nước đầy ruồi, nhặng vo ve suốt ngày. Những cây mía cạo vỏ, ngâm trong thùng nước cáu bẩn chờ ép thành nước bán cho người mua. Xác mía bám đầy trong máy ép, tràn xuống mặt đường trông nhếch nhác, bẩn thỉu vô cùng. Giá một ly nước mía nhỏ là 5.000 đồng, nước mía đậu xanh 8.000 đồng. Quan sát một hồi những người bán nước lề đường nơi đây chúng tôi không dám gọi để uống.
Anh Đào Quang Hưng, một thợ cơ khí chuyên lắp ráp máy ép nước mía “siêu sạch” cho biết: Thời gian vừa qua, máy ép nước mía siêu sạch ra đời thu hút nhiều người mua. Loại máy ép này được thiết kế gọn gàng, kín đáo, nhìn bên ngoài không thể trông thấy quy trình ép, dễ lau chùi bên ngoài nhưng khó vệ sinh bên trong. Cây mía được ép một lần là hết nước, không cần phải hì hụi ép nhiều lần như trước.
Do không quan sát được khâu vệ sinh của máy ép siêu sạch, nên loại máy ép này thu hút lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, khác xa vẻ bên ngoài hào nhoáng, bên trong máy ép siêu sạch lại …“siêu bẩn”. Nguyên nhân chính vì loại máy này chỉ có cách vệ sinh duy nhất là đổ nước vào bên trong dẫn bụi bẩn ra bên ngoài, chứ không thể chùi rửa.
Đã có rất nhiều phản ánh của người dùng về tình trạng ruồi lẫn trong nước mía từ máy ép siêu sạch. Đó là chưa kể chất lượng “đá tinh khiết” cũng rất mất vệ sinh từ quy trình lấy - lọc nước làm lạnh và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Khó kiểm soát được vệ sinh
Quả thực, không khó để tìm ra nước giải khát bình dân, giá rẻ trên từng góc phố, con hẻm đặc biệt mùa nắng nóng như hiện nay. Cứ cách vài trăm mét lại có một hàng nước bày trên từng chiếc xe đẩy bán hàng chục loại nước uống.
Các 'cửa hàng giải khát di động' thường tụ tập trước những cổng trường, công ty. |
Các “quán nước di động” này còn mọc nhiều hơn ở xung quanh các trường học, công ty. Mỗi ly nước giải khát vỉa hè có giá từ 5.000 đ – 10.000 đ tùy loại và tùy địa điểm được bày bán. Ngoài nước mía từ lâu được người dân ưa chuộng, các món như: sâm lạnh, dừa thơm, rong biển... thu hút lượng lớn khách hàng tìm đến, nhất là vào các buổi trưa nắng.
Khi được chúng tôi hỏi “bán hàng lời lãi thế nào”? - Chị Thanh bán nước giải khát trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) cho biết: Mấy bữa nay trời nắng, oi bức nên hàng của tui bán chạy lắm, gấp 2 -3 lần so với mấy ngày mưa. Các loại nước uống bán chạy nhất là sâm lạnh, mía lau, trà chanh, trà tắc… Sâm lạnh chị mua hay nấu? Có gì mà phải mua. Tui nấu hết. Chỉ cần ra chợ mua 40.000đ sâm lạnh về chế biến thì bán được cả ngày…
Quan sát “cửa hàng” của chị Thanh, chúng tôi thấy một túi bóng đựng đầy chai nhựa trắng, không nhãn mác dùng để chứa nước bán cho khách hàng. Nước uống đã được chị nấu trước ở nhà, đựng trong thùng nhựa, khi nào khách uống thì dùng gáo nhựa múc ra xung quanh đầy ruồi, nhặng do nước chứa đường vương vãi.
Một cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết: Hiện thành phố có hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá cây và viên. Chỉ riêng năm 2014 đã phát hiện trên 80 cơ sở (chiếm 43%) vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm khi sản xuất nước đá. Ngoài ra các hàng nước bán trên vỉa hè rất nhiều. Cơ quan chức năng quản không nổi, kiểm tra không hết nên chỉ còn trông chờ vào lương tâm người bán hàng…
Bên cạnh xe nước mía di động là đống bã mía đang được ruồi nhặng thi nhau sâu xé |
Hàng nước vỉa hè còn nguy hiểm hơn khi hàng ngày đồ uống phải “hứng” toàn bộ khói bụi từ nhiều phương tiện giao thông qua lại cũng đủ làm cho khách hàng phải “ôm bụng”.
Không những vậy, cơ quan chức năng còn phát hiện ra không ít điểm bán nước vỉa hè chứa hóa chất tạo mùi. Trong một lần kiểm tra mới đây, một chủ hàng bán nước vỉa hè thừa nhận đã mua hóa chất tạo mùi và chất tạo ngọt để pha chế ra sâm lạnh, trà bông cúc, trà bí đao... hoặc nước uống mùi chanh dây, nho tại chợ Kim Biên.
Hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng và trong đó đồ uống vỉa hè cũng là một trong những nguyên nhân gây nên.