Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai “tinh khiết” trong môi trường tệ hại. |
Giá nào cũng có
Trao đổi với Tieudung24h.vn, ông Trần Hùng, chủ một khách sạn lớn trên đường Phạm Văn Đồng phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM) cho biết ngày nào cũng có dăm ba nhân viên của các hãng nước đóng chai tới chào hàng… Đủ các loại "thương hiệu", giá nào cũng có. Tuy nhiên chọn con đường làm ăn uy tín nên ông Hùng chỉ nhận nước của một số thương hiệu uy tín hiện nay.
Cũng theo ông Hùng, nước suối mà các nhân viên đến đây chào chỉ 300 - 500đ/chai (500ml) trong khi giá các thương hiệu có tiếng mua sỉ với số lượng lớn đã 3.000đ/chai 500ml rồi… Thế nhưng, do vì ham lợi nhuận nhiều khách sạn vẫn nhập nước suối 500đ/chai về bán giá 10.000đ hoặc khi khách thuê phòng thì miễn phí 1-2 chai nước trong khi đó họ đã tính giá nước vào giá phòng rồi….
Không chỉ khách sạn, các tiệm tạp hóa hay các điểm bán tạp hóa tại TP.HCM và các điểm lân cận luôn bị các tay tiếp thị nước đóng chai quấy rối. Bà Hạnh bán tạp hóa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh phường 26 Quận Bình Thạnh cho biết, ngày nào cũng có người đến chào bán nước với giá rất rẻ, tuy nhiên do không biết chất lượng thế nào nên bà không nhập hàng. Theo bà Hạnh rất nhiều điểm bán hàng thường mua các loại nước đóng chai có hiệu na ná các hãng có tiếng ướp lạnh với giá bán từ 8.000 - 10.000 đ/chai cho khách đi đường.
Thông thường các cơ sở sản xuất nhỏ kinh doanh nước đóng chai đều không công bố rõ ràng về nguồn nước được sản xuất. Ông Hùng, một người làm nước đóng chai trên đường Đinh Bộ Lĩnh Q. Bình Thạnh cho biết, ông thuê mặt bằng 12 triệu/tháng để lắp ráp một dây chuyền sản xuất nước tinh khiết công suất 600 lít /giờ. "Vốn sản xuất một bình 20 lít chỉ khoảng 3.000 đồng, bán 20.000-25.000 đồng/bình là lãi to rồi mà nước của tôi lọc từ... nước máy đàng hoàng(!), không phải nhiều nơi làm từ nước giếng khoan"!.
Theo ông Hùng, chi phí đầu tư ban đầu cho một dây chuyền phụ thuộc vào công suất và nguồn nước (nước máy hay giếng khoan) tại địa bàn sản xuất. Phổ biến nhất là dây chuyền làm nước đóng chai công suất từ 600 đến 1000 lít/giờ. Trừ lượng tiêu hao, một dây chuyền 600 lít sẽ cho ra khoảng 30 bình 20 lít mỗi giờ và khoảng gần 200 bình mỗi ngày. Nếu bán với giá chỉ cần 12.000đ/bình đã thu về 2,4 triệu đồng/ngày và được 72 triệu đồng/tháng. Trong khi tổng chi phí để sản xuất ra một bình 20 lít khoảng 4.000 đồng gồm: 1.000 đồng tem nhãn, 500 đồng màng co, 1.000 đồng khấu hao vỏ bình (vỏ bình mua mới khoảng 30.000-40.000 đồng một chiếc), 500 đồng điện nước, 1.000 đồng khấu hao dây chuyền thì mỗi tháng đã đút túi hàng chục triệu đồng bảo làm sao không có nhiều hãng nước đóng chai.
Các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai mọc ra như nấm. |
Người tiêu dùng còn dễ dãi?
Theo tìm hiểu của chúng tôi người tiêu dùng hiện nay còn khá dễ dãi khi chọn nước uống đóng chai và chưa quan tâm việc nước đóng chai từ nguồn nước khoáng, nước suối hay nước tinh khiết. Họ thường hiểu các loại trên là một loại nước sạch, vô trùng mà không biết rằng đa số nước đóng chai hiện nay chỉ đơn giản là nước máy hay nước giếng khoan qua xử lý.
Thế nên nhiều doanh nghiệp nước uống đóng chai hay lập lờ ghi nguồn nguyên liệu là “public water source” (nước máy) thay vì “pure water” (nước tinh khiết) để gây nhầm lẫn cho khách hàng nhằm đẩy cao giá trị sản phẩm của mình. Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất nước máy qua xử lý thành nước tinh khiết, cũng từng đặt thông điệp cho sản phẩm của mình là nguồn nước thiên nhiên. Một người trong nghề nói với tôi: Rất nhiều nước tinh khiết cả hãng lớn lẫn cơ sở sản xuất nhỏ hiện nay đều lấy nguồn nước máy, có nơi là giếng khoan. Thế nhưng, mỹ từ dùng là nguồn nước từ thiên nhiên cho nó dễ nghe. Thực tế nước nào chẳng có nguồn gốc từ thiên nhiên vì đâu có nước nhân tạo?
Hai sản phẩm nước uống đóng chai có nhãn hiệu na ná như nhau khó phân biệt cái nào tốt. |
Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thị trường Việt Nam có hàng ngàn nhãn hàng nước uống đóng chai. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm chưa đạt chất lượng hoặc làm hàng nhái, giả thương hiệu lớn khiến việc quản lý ngày càng phức tạp. Mới đây Thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Đồng Nai) kiểm tra 17 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn phát hiện hầu hết các cơ sở đều không đảm bảo chất lượng. Đáng chú ý có nhiều cơ sở còn sản xuất nước đóng chai tinh khiết trong môi trường tệ hại. Trong số 17 các cơ sở bị thanh tra, hầu hết đều vi phạm như công đoạn sản xuất không được tách biệt, nước nhiễm vi sinh hoặc có nồng độ pH cao hơn cho phép nhiều lần. Nhiều cơ sở có chỉ số Coliform trong nước cao hơn nhiều so với quy định. Đáng chú ý, cơ quan thanh tra còn phát hiện 3-4 mẫu nước tinh khiết còn có cả trực khuẩn mủ xanh... Hiện các mẫu này đã được cơ quan thanh tra gửi đi xét nghiệm để làm cơ sở xử lý.
Quy định, sản xuất và kinh doanh mặt hàng nước uống đóng chai phải tuân theo quy trình đảm bảo điều kiện về chất lượng nguồn nước, cơ sở hạ tầng và quy trình công nghệ đóng chai. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, khâu chấp hành về cơ sở hạ tầng hiện rất đáng lo ngại như hầu hết các cơ sở tận dụng phòng trống để sản xuất nước uống đóng chai. Có cơ sở còn không cách biệt nơi sản xuất với nhà vệ sinh.
Cơ quan chức năng khuyến cáo không nên dùng các nhãn hàng nước uống không có thương hiệu, hoặc hàng nhái… Nếu có nhu cầu sử dụng, người tiêu dùng cần lưu ý xem kỹ tên thương hiệu, tem nhãn, hạn sử dụng của các loại nước uống đóng chai trước khi mua và sử dụng để tránh tình trạng mất tiền mang bệnh do uống phải nước bẩn.