Thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia
Online Friday là ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm được Chính phủ giao Bộ Công Thương triển khai thường niên. Bước sang kỳ tổ chức thứ 4, Online Friday hướng tới mục tiêu đẩy mạnh mua sắm thông qua bán hàng trực tuyến; tạo cơ hội cho NTD được sử dụng những sản phẩm có chất lượng với mức giá ưu đãi. Chương trình đã thu hút hơn 3.000 DN tham gia với nhiều thương hiệu lớn và tổ chức 999 chương trình khuyến mại, qua đó NTD có cơ hội săn hàng giảm giá lên tới 70%.
Để thu hút NTD tham gia mua sắm, Ban tổ chức Online Friday 2017 đã có những cải tiến lớn trong cách thức tổ chức. Một trong những điểm mới đó là sự kiện BigOFF mua sắm theo mô hình từ online đến offline (O2O) được tổ chức tại các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng ở Hà Nội.
|
Ngoài ra, để khách hàng có thể thoải mái trong việc mua sắm sản phẩm, dịch vụ, Ban tổ chức còn triển khai 2 mô hình giảm giá khác nhau là giảm giá sản phẩm và voucher giảm giá. Theo đó, NTD có thể tìm kiếm các sản phẩm giảm giá phù hợp trên trang www.store.onlinefriday.vn, đồng thời Ban tổ chức gắn mác đảm bảo về chất lượng và giá thành so với thị trường cho 900 sản phẩm. Với chương trình voucher giảm giá, NTD có thể tìm kiếm và sở hữu hàng ngàn code thuộc nhiều ngành hàng trên trang www.shop.onlinefriday.vn. Khi download code thành công, khách hàng chỉ cần mang tới cửa hàng trong danh sách áp dụng để mua sắm những dịch vụ và sản phẩm chất lượng.
Không để mất niềm tin của người tiêu dùng
Để đảm bảo quyền lợi NTD, Ban tổ chức sẽ tăng cường hậu kiểm, yêu cầu DN không nâng giá trước khi đưa ra chương trình khuyến mại giảm giá. Mặc dù đã được yêu cầu không được thực hiện khuyến mại ảo, nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại trong ngày Online Friday.
Cụ thể, một số website đưa quảng cáo bán sản phẩm với mức giá hấp dẫn, nhưng khi khách hàng chọn mua thì giá bán không rẻ hơn thị trường. Đơn cử, sản phẩm iPhone 7 dung lượng 32GB được website Thegioididong và NguyenKim giảm giá 500.000 đồng/sản phẩm có giá bán từ 15.990.000 - 16.490.000 đồng/sản phẩm. Nhưng trên thị trường hiện nay, các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại di động như Hoàng Hà, Nhật Cường…, sản phẩm này mặc dù không có khuyến mại chỉ có giá từ 14.590.000 - 14.690.000 đồng/sản phẩm.
Hay như siêu thị điện máy Pico đưa ra chương trình khuyến mại “Xả hàng không lợi nhuận” giảm giá 3 triệu đồng cho sản phẩm máy giặt Electrolux lồng ngang EWF 10744, từ 10.990.000 đồng xuống còn 7.990.000 đồng. Thế nhưng tại website Sosanh.vn đã nêu địa chỉ hàng chục cửa hàng và siêu thị điện máy Vinpro có giá bán sản phẩm này chỉ dao động từ 7.600.000 - 7.900.000 đồng/sản phẩm. Nhiều sản phẩm khác từ thời trang đến điện máy, khách hàng cũng gặp tình trạng tương tự trên trang OnlineFriday.vn, khiến NTD thất vọng.
Tình trạng DN tham gia OnlineFriday đưa ra khuyến mại “ảo” không phải đến năm nay mới xảy ra. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong ngày OnlineFriday 2016, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hơn 500 phản ánh của NTD về khuyến mại “ảo” của một số DN tham gia chương trình. Điều này cho thấy, Ban tổ chức nên tăng cường hơn nữa việc kiểm định các chương trình khuyến mại của DN tham gia OnlineFriday. Nếu không làm rốt ráo vấn đề này sẽ khiến niềm tin NTD giảm sút, gây ra tác dụng ngược khi Ban tổ chức mong muốn sẽ tạo ra thói quen mua sắm trực tuyến, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.