Trên thị trường hiện nay, các mặt hàng như bún, miến, mỳ khô… đang là những sản phẩm được rất nhiều người tiêu dùng chọn lựa cho các bữa ăn cá nhân cũng như của cả gia đình.
Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tại địa bàn một số quận của Hà Nội hiện có nhiều quán ăn, quán tạp hóa, cơ sở kinh doanh, chợ trung tâm có bán các loại sản phẩm mỳ gạo chũ, bún, miến, mỳ khô…với nhiều chủng loại và giá cả khác nhau. Giá của các loại sản phẩm này dao động từ khoảng 7.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, các sản phẩm mỳ gạo chũ có giá từ 8.000 - 25.000 đồng tùy kích cỡ và chủng loại.
Tuy nhiên, có một thực trạng là ngoài những mặt hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện tồn tại rất nhiều các loại bún, miến, mỳ khô bao gói nhãn mác đơn giản, không rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng không có, thậm chí "trần chuồng" về nhãn mác. Các sản phẩm đó từng được cơ quan về an toàn thực phẩm kiểm tra và phát hiện có hàn the, chất làm trắng, chất bảo có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dùng. Cơ quan chức năng cũng xử lý nhiều trường hợp sai phạm.
Thực tế nói trên đặt ra một nỗi lo lớn đối với người tiêu dùng khi họ bằng mắt thường khó có thể nhận biết các loại mỳ, bún, miến có chứa các chất nguy hại. Trong khi đó, không ít người tiêu dùng sử dụng thường xuyên những loại thực phẩm này.
Chị Thu Hà, một nhân viên văn phòng khu vực Cầu Giấy cho hay: “Thường thì vào mỗi buổi sáng, để tiết kiệm thời gian, tôi đi mua bún hoặc nấu mỳ khô mua sẵn cho các con ăn rồi đi học. Vừa rồi nghe thông tin nhiều loại bún, miến chứa chất tẩy trắng, chất độc hại nên tôi rất lo lắng, không biết đâu là mỳ an toàn, đâu là các loại mỳ độc hại. Bằng mắt thường thì khó nhận biết lắm”.
Cùng quan điểm trên, chị Mai Nguyễn (Hải Phòng) cho biết không chỉ chị mà rất nhiều người tiêu dùng khác vẫn hằng ngày sử dụng các loại bún, miến, mỳ tươi mà không biết đó là mỳ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay mỳ có chứa chất độc hại, hàn the như thông tin trên báo chí, mạng xã hội đã nêu. Bên cạnh đó, chị Mai cũng có kiến nghị rằng các cơ quan chức năng nên sát sao hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng các mặt hàng bún miến, mỳ khô, mỳ tươi đang được kinh doanh trên thị trường.
“Bản thân tôi nghĩ nên tăng cường hơn nữa việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh những mặt hàng này. Đồng thời, nếu có điều kiện thì nên lấy mẫu để kiểm tra chất lượng, sau đó cho công bố tên sản phẩm vi phạm. Làm được vậy, người tiêu dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn các mặt hàng an toàn, chất lượng, tránh mua phải những loại sản phẩm có hại cho sức khỏe”, chị Mai Nguyễn nói thêm.
Một số loại mỳ khô đang được bán trên thị trường có bao gói nhãn mác không đầy đủ, rõ ràng. Ảnh minh họa
Trước những lo lắng, thắc mắc của người tiêu dùng và nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, mới đây, Chất lượng Việt Nam đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa - thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành khảo sát, lấy mẫu một số loại sản phẩm mỳ trứng, mỳ gạo chũ để kiểm nghiệm chất lượng.
Các sản phẩm này sau đó sẽ được chuyển đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (QUATEST 1) để các chuyên gia tiến hàn phân tích, kiểm định chất lượng.
Theo ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, việc lấy mẫu kiểm nghiệm là hoạt động thường xuyên của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhằm ngăn chặn những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, có nguy cơ gây mất an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Tuấn cho biết thêm rằng, việc thu thập, kiểm nghiệm và công bố các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng trên thị trường cũng chính là cơ sở để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, sử dụng trái phép chất cấm trong thực phẩm nhất là đối với các loại sản phẩm như bún, miến, mỳ khô…
Về chi tiết chất lượng của các mặt hàng mỳ gói, mỳ gạo chũ đã được lấy mẫu kiểm nghiệm, sau khi có kết quả công bố từ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Chất lượng Việt Nam sẽ phản ánh nội dung kết quả này đến quý độc giả.
Ngày 9/5/2015, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường vừa phối hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp và Công an địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất mì sợi Phú Hiền tọa lạc Tổ 27, khóm 3, phường 6, TP.Cao Lãnh, do Phan Thị Diệu Hiền (SN 1975) làm chủ cơ sở. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất này có hành vi pha trộn chất hàn the vào nguyên liệu để sản xuất mì tươi. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện 60 lít dung dịch đã pha trộn chất hàn the. Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản niêm phong 120kg mì sợi thành phẩm và 60 lít dung dịch đã pha trộn chất hàn the, để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, năm 2013, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh vừa công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu bún được thu thập từ các cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh, bánh canh xắc trên địa bàn thị xã Tây Ninh trong tháng 5. Kết quả xét nghiệm mẫu bún lấy từ 2 cơ sở cho thấy có chất huỳnh quang (Tinopal) - một loại hóa chất có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, còn có chất chống mốc (Sodium benzoat) và hàn the. Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Tinopal là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy… vì có màu óng ánh, đẹp. Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm. |