Không có chuyện xe nhập ùn tắc tại cảng
Nghị định 116/2017 của Chính phủ ban hành ngày 17-10 vừa qua và có hiệu lực thi hành ngay. Ngày 25.10, chưa đầy 10 ngày sau khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch VAMA, gửi kiến nghị phản đối một số quy định quan trọng trong nghị định này.
Chủ tịch VAMA cho rằng, hoạt động kinh doanh của các thành viên VAMA sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới. Tuy nhiên, hầu hết các quy định bị phản ứng đều liên quan đến việc nhập khẩu xe, trong khi VAMA về bản chất chỉ là tập hợp của các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Cụ thể, chủ tịch VAMA nhận định, việc phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là vấn đề nghiêm trọng với tất cả các thành viên VAMA và lo ngại ở thời điểm nghị định 116 có hiệu lực, các xe nhập từ các đơn hàng trước đó sẽ bị ùn tắc lại ở cảng.
Không đồng tình, ông Bùi Kim Kha, Phó Chủ tịch VAMA cho rằng, những nội dung trong nghị định là hợp lý. Ông Kha phân tích, tất cả các xe nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam. Do đó doanh nghiệp nhập khẩu phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định kỹ thuật hiện hành. Vì vậy, không thể xảy ra trường hợp xe nhập về có sự khác biệt giữa những xe bán ở thị trường. Đối với yêu cầu cung cấp “Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài”, doanh nghiệp cần cung cấp giấy tờ này khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô chưa qua sử dụng để đảm bảo chất lượng của xe nhập khẩu. Qua đó hạn chế ô tô kém chất lượng từ nước ngoài, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo sự bình đẳng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong khi xe sản xuất trong nước chịu nhiều quy định gắt gao thì các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lại ngại đầu tư vì sợ tốn tiền? |
Ông Kha nhận định, việc cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là bằng chứng rõ ràng về chất lượng của ô tô nhập khẩu. Đây là một trong các căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Bởi vì, đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi kiểu loại ô tô phải thực hiện các bước: Thiết kế, thử nghiệm mẫu, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng linh kiện (trừ trường hợp linh kiện đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận), thử nghiệm khí thải, đánh giá điều kiện xuất xưởng (COP). Các nội dung này phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, thử nghiệm xác nhận hàng năm (trừ thiết kế). Sau khi kiểu loại ô tô đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng, mỗi chiếc ô tô trước khi xuất xưởng phải được kiểm tra sự phù hợp các linh kiện (gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính an toàn, lốp...) so với sản phẩm mẫu, kiểm tra từng ô tô trên dây chuyền thiết bị. Nếu mỗi ô tô đó không có chứng nhận an toàn về linh kiện thì sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu xuất xưởng.
“Trong khi đó, đối với ô tô nhập khẩu, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đảm bảo cho linh kiện, hệ thống, các tổng thành trên xe đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Đây là một trong các căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Nghị định 116 có hiệu lực từ ngày 17/10. Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh doanh nhập khẩu được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2017. Như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu có gần 3 tháng chuẩn bị để đưa hàng về cảng cho nên không thể có ùn tắc tại cảng và không đăng kiểm được. Đơn cử, như Thaco nhập xe MAZDA2, MAZDABT50, KIA, PEUGEOT về Việt Nam không hề gặp vướng mắc gì”, Phó Chủ tịch VAMA phân tích.
Không có đường thử sẽ ảnh hưởng chất lượng xe xuất xưởng
Liên quan tới quy định kiểm tra từng lô xe nhập khẩu, giải pháp kỹ thuật được cho là sẽ giúp chặn “làn sóng” xe nhập ồ ạt vào Việt Nam sau năm 2018 (khi thuế suất nhập khẩu về 0%), chủ tịch VAMA cho rằng quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và lãng phí xã hội. Không chỉ phản ứng với những nỗ lực chặn cơn bão xe nhập giá rẻ của Chính phủ, chủ tịch VAMA dường như còn cho thấy không muốn đầu tư thêm vào sản xuất khi “kêu khó” với yêu cầu về chiều dài đường thử với chiều dài tối thiểu 800m và tối thiểu 400m đường thẳng. Lý do mà vị Chủ tịch VAMA đưa ra là “không có đất”?!
Một chiếc ô tô khi xuất xưởng phải được chạy trong đường thử trước để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Thế nhưng các doanh nghiệp nhập xe lại "kêu khó" với đường thử vì... không có đất (?!). |
Ông Bùi Kim Kha, Phó Chủ tịch VAMA, phân tích việc chạy thử xe sau khi sản xuất lắp ráp (SXLR) là một việc rất quan trọng. Nó đảm bảo cho xe đạt chất lượng trước khi xuất xưởng. Nếu đường thử xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, không bố trí được các địa hình thử theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng. Ngoài ra, việc đầu tư làm đường thử mới hoặc mở rộng quy mô đường thử thể hiện việc gắn bó lâu dài của doanh nghiệp đối với hoạt động SXLR ô tô trong tình hình thuế nhập khẩu giảm từ năm 2018. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ hướng đến nhập khẩu nguyên chiếc hơn là chú trọng SXLR, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng vạn người lao động, thất thu ngân sách.
Đồng tình, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, cho biết việc thử nghiệm xe trước khi xuất xưởng là một yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng, trong đó đường thử là một trong các yếu tố cực kỳ quan trọng.
“800m như quy định của Việt Nam không phải là khắt khe. Quốc tế có nước còn quy định đường thử dài 2km hoặc hơn, 800m chỉ là tối thiểu. Doanh nghiệp SXLR xe hơi thì sản phẩm phải đảm bảo tiêu dùng. Nếu coi rẻ tính mạng người tiêu dùng mà trốn tránh làm đường thử thì cho thấy tâm lý doanh nghiệp và cam kết đầu tư lâu dài vào quốc gia đó không hề có”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho rằng, doanh nghiệp ngại không muốn sản xuất xe mà chỉ muốn nhập khẩu nguyên chiếc là chỉ nhìn vào quyền lợi của riêng mình. Bởi vì, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước giai đoạn bước ngoặt mang tính sống còn sau 20 năm không rõ định hướng. Việc Chính phủ dành những ưu đãi cho những doanh nghiệp thực sự vì người tiêu dùng, dám đầu tư tăng tỉ lệ nội địa hoá, dám giảm giá để tăng sự cạnh tranh… được ví như “liều doping” thúc đẩy cho sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động. Cho nên, việc các doanh nghiệp “kêu khó” chẳng qua chỉ là sợ tốn tiền đầu tư, muốn nhập xe nguyên chiếc để bán kiếm lợi nhuận cao hơn mà thôi.