Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký nêu rõ, trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học... với quy mô hàng nghìn suất ăn.
Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của Hà Nội kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh).
Cùng với đó, các đơn vị tổ chức diễn tập và chuẩn bị phương án xử lý, khắc phục hậu quả, sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu cho các bệnh nhân cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
Ngoài ra, các đơn vị hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn xây dựng phương án phòng chống và xử lý khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và tự tổ chức diễn tập tình huống ngộ độc thực phẩm đông người tại cơ sở.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/TP, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với cơ quan chức năng liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của Hà Nội kiểm tra bếp ăn trường học tại quận Hoàn Kiếm.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường công tác liên ngành trong thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.
Các đơn vị, cơ sở chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Đặc biệt, các đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).
Ngoài ra, các đơn vị công khai hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời.