Ở Việt Nam, người dùng đã áp dụng dịch vụ giao hàng tận nhà nhiều hơn, đặc biệt là việc thanh toán trước khi giao hàng thông qua các phương thức trực tuyến đã trở nên phổ biến. Tổng quát, 85% người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch. Trong tương lai, họ hy vọng rằng 80% các giao dịch sẽ được thực hiện trực tuyến và hàng sẽ được giao đến tận nhà.
Những thói quen mua sắm mới cũng được ghi nhận, với 64% người tiêu dùng có xu hướng tích trữ thêm thuốc men và vitamin để duy trì sức khỏe. Tương tự, 64% người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng trực tuyến lớn và doanh nghiệp hộ gia đình.
Sự thay đổi thói quen tiết kiệm và chi tiêu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng các hành vi khác nhau của người tiêu dùng. Theo Nghiên cứu, 80% người được khảo sát cho biết họ đang tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai, 78% muốn lập kế hoạch và theo dõi chi phí hằng tháng chặt chẽ. Điều này cho thấy người dùng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm tài chính, cũng như chú trọng thiết lập ngân sách hằng tháng cho chi tiêu gia đình.
Như vậy, người dùng có khả năng giảm chi tiêu cho một số mặt hàng và các doanh nghiệp cần lường trước sự chuyển dịch này. Mặt khác, doanh nghiệp có thể tập trung vào các lĩnh vực mà người tiêu dùng có kế hoạch gia tăng chi tiêu, như hàng tạp hóa, thời trang và quần áo, nghỉ dưỡng tại chỗ (staycation) hoặc du lịch nội địa. Từ đó có thể thấy, trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần bắt kịp với những thay đổi liên tục đang và sẽ diễn ra trong hành vi của người tiêu dùng.
Ngoài ra, thanh toán kỹ thuật số tiếp tục trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng tại Việt Nam, thể hiện qua dữ liệu của mạng lưới VisaNet trong 3 tháng đầu năm 2023, khi tổng giá trị giao dịch thanh toán trên thẻ Visa tại Việt Nam đã tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022 và thanh toán trực tuyến cũng tăng trưởng theo đó. Đồng thời, doanh số thanh toán xuyên biên giới cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, số liệu từ Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố mới đây cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị. Đặc biệt, số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị. Đến cuối tháng 3, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS; tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022.
Một điểm đáng chú ý, theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)… đã được các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, trong năm 2022 cũng theo Nghiên cứu được công bố bởi Visa, có tới 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt, tăng cao so với mức 77% và 77% tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày. Hai lý do phổ biến nhất khiến người dùng hạn chế mang tiền mặt là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp, và thực tế là ngày càng có nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện và áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.