Nhan nhản nước hoa... nhái
Ảnh minh họa. |
Tại các blog, các trang web mua bán, nhan nhản những lời quảng cáo rất hấp dẫn về nước hoa nhái, giả như: “Nước hoa nhập từ Malaysia giá siêu rẻ, chỉ với 110.000 đồng - 220.000 đồng, bạn đã có trong tay một sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Chất lượng tương đương với hàng xịn, đảm bảo sẽ làm bạn cực kỳ hài lòng”; “Giống đến 90% hàng thật từ mẫu mã đến mùi hương nhưng độ bám mùi không lâu bằng nước hoa thật do có ít tinh dầu hơn”… Những lời quảng cáo hấp dẫn đó đã thu hút được nhiều khách ham của rẻ với tâm lý muốn được sở hữu những hương thơm nổi tiếng trên thế giới với giá chỉ bằng 1/10 so với chai nước hoa thật.
Không khó để mua được một lọ nước hoa giả trên thị trường Việt Nam hiện nay. Nhiều người nghĩ rằng, nước hoa cũng chỉ là mùi hương, vì vậy, không cần thiết phải thơm như các loại nước hoa chính hãng. Mua nước hoa nhái vừa tiết kiệm lại dễ dùng, hết lọ này có thể thoải mái đổi sang chai khác, hoặc nếu không thích loại này có thể dùng loại khác thơm hơn. Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó, nếu bạn đã muốn dùng nước hoa "xịn" với cái giá rẻ (hoặc siêu rẻ) thì đương nhiên bạn cũng nên xác định rằng nguy cơ gặp những phản ứng phụ từ nước hoa nhái cũng sẽ cao hơn rất nhiều.
Chị Hòa bán mỹ phẩm ở khu chợ Nhà Xanh, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết một chai nước hoa Gucci 90ml chị bán giá 400.000 đồng, hay chanel 50ml giá 250.000 đồng. Thoạt nhìn các lọ nước hoa này từ kiểu dáng, mẫu mã, thậm chí mùi hương đều giống y hệt sản phẩm chính hãng, người mua rất khó phân biệt. Nước hoa giả không được kiểm tra, kiểm định độ an toàn hay quản lý theo quy định của pháp luật và được bày bán ngang nhiên.
Nước hoa giả là nước hoa thiết kế giống hệt về tên, nhãn mác, kiểu dáng và có mùi rất giống với chai nước hoa thật. Đặc biệt, một số nơi đã sản xuất được nước hoa giả gần như là bản sao của những nhãn hiệu hàng đầu thế giới và bày bán khắp nơi đặc biệt là các khu chợ sinh viên Phùng Khoang, Nhà Xanh, chợ đêm Đồng Xuân, Hà Nội và có giá rẻ hơn sản phẩm chính hãng một nửa giá.
Nếu là nước hoa fake được sản xuất hàng loạt, chắc chắn từ nguyên liệu cho đến cách làm cũng sẽ chẳng được chăm chút. Bạn không dễ để có thể kiểm tra thành phần của nước hoa bởi mỗi lọ nước hoa được làm từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau và trên bao bì của sản phẩm thì lại không bao giờ ghi hết, nếu có ghi cũng chỉ là những thành phần chính, còn những thành phần phụ chúng ta không bao giờ biết được. Bởi vậy, rất rất khó để những nhà sản xuất nước hoa giả kia có thể biết được thành phần.
Hai lọ nước hoa cùng một hãng nhưng chỉ có một lọ là hàng thật. |
Theo Patrick Bamburak, giám đốc phát triển ngành nước hoa của Dior ở thị trường Bắc Mỹ, nước hoa được thẩm thấu vào cơ thể chúng ta. Trong nước hoa fake thường bị phát hiện chứa những chất đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe như chất chống đông, cồn nhiễm độc, nước tiểu và vi khuẩn có hại. Ngoài ra, một số thành phần khác được tìm thấy như: vodka và cetyl cedrene (hóa chất được dùng trong chế tạo chất dẻo và cao su). Một số nơi còn sử dụng nước hồ chưa qua xử lý để sản xuất nước hoa. Cũng vì vậy mà bạn rất dễ nhận ra rằng trong chai nước hoa fake thường có cặn còn những chai nước hoa thật thì khong bao giờ có.
Khốn khổ vì nước hoa... nhái
Nước hoa thật (bên trái) và nước hoa nhái của hãng Coco Chanel. |
Chị Thảo, Dịch Vọng Hậu chia sẻ: “Tôi đã phát hoảng vì một lần mua nước hoa online với lời quảng cáo giảm giá sốc, ngay sau khi nhận lọ nước hoa Allure mua cho chồng tôi xịt thử lên cổ tay và chỉ trong 30 phút bị kích ứng da nóng rát và ửng đỏ, ngay sau khi sử dụng".
Nước hoa giúp chị Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) tự tin hơn nên nó được coi là vật bất ly thân với chị. Là người quan tâm đến sức khỏe chị Lan cũng lo sợ mua phải hàng giả. Do vậy, chị chấp nhận chi tới 1,7 triệu để mua nước hoa tại một shop bán online chuyên hàng xách tay từ Pháp. Thế nhưng, sau khi sử dụng vài giờ vùng tay chị xịt nước hoa bị mẩn đỏ, ngứa ngáy. Chị Lan nhanh chóng đi khám bác sỹ thì nhận được kết quả chị bị dị ứng. Chị nhận ra ngay thủ phạm chính là lọ nước hoa chị mới dùng.
Giống với chị Lan, chị Tâm Nhi (nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một tín đồ nước hoa. Ngoài việc xịt nước hoa lên tay, cổ, gáy chị Nhi còn có thói quen xịt nước hoa vào vùng nách thay cho lăn khử mùi. Vì theo chị, lăn khử mùi chỉ có tác dụng trong vài giờ còn nước hoa có thể lưu hương cả ngày. Nhưng cứ vào ngày nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều chị Nhi lại cảm thấy ngứa ngáy, đau xót ở vùng nách, chóng mặt, bứt rứt. Chi Nhi nghĩ do thời tiết thay đổi nên đã tự ý mua thuốc về uống. Hậu quả khi chị đến thăm khám bác sỹ thì vùng nách đã phồng rộp, chảy nước và đau nhức.
Nổi mẩn vì dị ứng với nước hoa nhái. |
Bác sỹ Nguyễn Xuân Quang - Trưởng khoa thẩm mỹ da liễu tại một bệnh viện Hà Nội cho biết, các loại nước hoa chính hãng luôn có các công thức, tiêu chuẩn quy chuẩn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, những loại nước hoa rởm thì không bao giờ đạt được các chuẩn ấy. Trong quá trình sản xuất, họ thực hiện pha trộn với các nguyên liệu rẻ tiền hơn, và vì thế nguy cơ nước hoa gây kích ứng cũng cao hơn.
Những biểu hiện của việc bị dị ứng nước hoa là nổi phát ban ngay tại vị trí xịt, thậm chí lan ra toàn thân. Biểu hiện rõ rệt nhất là cảm giác ngứa ngáy, thậm chí là bị bỏng nước hoa với những nốt phồng rộp, có thể do thành phần cấu tạo có chứa axit hoặc cồn.
Khi phản ứng dị ứng nặng có thể phù nề, nổi mụn nước, bọng nước. Với những người bị viêm cấp tính thì thời gian bị dị ứng đến khi khỏi tùy thuộc thương tổn, có thể điều trị trong nhiều ngày hoặc lên tới vài tuần lễ.
Ngoài ra, không ít trường hợp dị ứng mùi với biểu hiện: Thay đổi hô hấp, huyết áp, chóng mặt, nhức đầu, hen. Ngoài ra có một số trường hợp do ngửi nước hoa nhiều nên mất sự nhạy cảm về khứu giác.
Dược sỹ Đào Minh Huy (Đại học Dược, Hà Nội) cũng cho biết dùng nước hoa fake có nhiều tác dụng phụ không mong muốn: “Tiếp xúc với nước hoa giả có thể gây viêm da dị ứng, làm trầm trọng các vấn đề về hô hấp. Ngoài da nước hoa tiếp xúc trực tiếp lên da có thể gây nám da, da trở nên nhạy cảm với ánh sáng”.
Các chuyên gia da liễu cùng khuyến cáo rằng đừng quên thử nước hoa trước khi quyết định mua chúng. Nếu chẳng may bị dị ứng nước hoa cần tắm rửa sạch càng nhanh càng tốt. Ngoài ra nước hoa và lăn khử mùi hoàn toàn khác nhau nên không thể đánh đồng. Nước hoa sử dụng khi cơ thể sạch sẽ, còn lăn khử mùi dùng để diệt khuẩn. Khi bị dị ứng không nên tự ý mua thuốc, cần tìm đến bác sỹ da liễu để được điều trị nhanh nhất. Hơn nữa, nước hoa chỉ đáp ứng nhu cầu về mùi hương, không giải quyết nhu cầu sức khỏe cho làn da, không nên lạm dụng nước hoa dưới bất kì hình thức nào.
Có thể thấy sử dụng nước hoa giả nói riêng và mỹ phẩm fake nói chung sẽ có tác hại khôn lường. Đừng bao giờ tin tưởng vào các chiêu trò “giảm giá khủng” hay “siêu khuyến mãi” để mua phải những chai nước hoa giả với giá chỉ một vài trăm nghìn để rồi tốn hàng triệu đồng chữa trị các bệnh nó đem đến.