Thứ 6, 22/11/2024, 13:54 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Bệnh thương hàn có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn

Bệnh thương hàn có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn
(Tieudung.vn) - Việc ăn uống mất vệ sinh, sử dụng những loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc có thể là nguyên nhân gây ra bệnh thương hàn.

Ngày 12/3, trong buổi phỏng vấn với báo Dân trí, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trong 2 - 3 tuần qua, BV tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp trẻ em bị thương hàn (do trực trùng Salmonella typhi), tất cả đều ở tỉnh chuyển lên.

Các bé nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài và điều trị khá phức tạp, phải dùng kháng sinh mạnh từ 10 - 14 ngày. Còn tại địa bàn TP.HCM, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cũng cho biết từ đầu năm 2017 đến nay có 3 trường hợp mắc bệnh thương hàn.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo phòng ngừa bệnh thương hàn bằng uống vệ sinh, tiêm vắc xin phòng ngừa (trẻ từ 3 tuổi trở lên). Tuy nhiên, vắc xin chỉ bảo vệ được khoảng 90% và có liệu lực trong vòng 3 năm, sau đó phải tiêm lại.

từ báo Đời sống pháp luật, trực khuẩn thương hàn có thể sống hàng tháng ngoài môi trường, chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng và hầu hết là do ăn phải thức ăn, sữa, nước uống.... Sau khi xuyên qua hàng rào acid dạ dày, vi khuẩn di động về phía ruột non và sinh sản ở đó, tiếp tục chui qua màng nhày vào thành ruột và đi vào máu.

Vi khuẩn sẽ được chuyên chở bởi những tế bào bạch cầu ở gan, lách và tủy xương. Khi đó vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở trong tế bào của những cơ quan này và quay lại dòng máu. Vi khuẩn xâm nhập vào túi mật, hệ thống ống mật và mô lympho trong ruột. Tại đây, chúng sinh sôi nảy nở với số lượng lớn.

Mô tả ảnh
 Ăn uống không đảm bảo có thể là nguyên nhân gây ra bệnh thương hàn. (Ảnh: Dân trí)

Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh, do lây truyền qua đường ăn uống bởi nước hay thức ăn bị nhiễm. Bệnh nhân bị bệnh cấp tính có thể lây ra môi trường nước xung quanh qua phân, ở giai đoạn cấp các chất thải (phân) có chứa nồng độ vi khuẩn rất cao.

Đặc biệt, nguyên nhân gây bệnh thương hàn chủ yếu là do vi khuẩn có trong những loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nhất là thịt lợn. Hiện nay thịt lợn mất vệ sinh đang được bày bán tràn lan, người không có nhiều lựa chọn. Điều đáng sợ là họ không lường hết hậu quả của nó lên sức khỏe .

Thông thường, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm máu, cấy phân và dựa vào yếu tố dịch tễ. Trung bình sau khi nhiễm bệnh 7 – 15 ngày, sẽ xuất hiện các triệu chứng quan trọng.

Dấu hiệu đặc biệt quan trọng và hằng định của bệnh thương hàn là sốt cao liên tục 39 – 40 độ C, sốt hình cao nguyên và sốt nóng là chủ yếu. Trên cơ thể vã nhiều mồ hôi. Có thể xuất hiện các ban dát nhỏ 2–3mm, màu hồng thường mọc ở bụng, mạn sườn, ngực – còn gọi là hồng ban.

Tùy theo trường hợp, biểu hiện thần kinh ở các mức độ khác nhau từ nhức đầu, mất ngủ, ù tai, nói ngọng, đến tình trạng nằm bất động thờ ơ với ngoại cảnh, rồi có thể li bì, mê sảng hoặc hôn mê.

Gan to mềm, mạch chậm tương đối so với huyết áp, huyết áp thấp, bụng chướng nhẹ, đau dọc hố chậu phải, đi ngoài khoảng 5 –6lần/ngày, phân màu vàng nâu, đặc biệt mùi rất nặng. Hình ảnh rìa lưỡi đỏ, giữa lưỡi phủ một lớp rêu màu trắng hoặc xám.

Do nhiều nguyên nhân như nhiễm độc tố, bội nhiễm vi khuẩn khác, tai biến do kháng sinh mà bệnh thương hàn có những biến chứng nguy hiểm khác nhau. Xuất huyết tiêu hóa: gặp khoảng 15%, tùy mức độ mất máu mà có các biểu hiện khác nhau như vã mồ hôi, da xanh niêm mạc nhợt, đi ngoài phân đen, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.

Thủng ruột: gặp khoảng 1 – 3%. Bệnh nhân còn bị loét họng, loét ruột gây chảy máu ruột do độc tố thương hàn gây ra. Nhiễm độc cơ tim, gây viêm cơ tim, trụy tim mạch. Nếu độc tố nhiễm vào não thất gây triệu chứng mạch nhiệt phân ly, viêm túi mật, viêm gan; viêm não màng não, viêm cầu thận, viêm đài bể thận.

Việc điều trị bệnh thương hàn có thể sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Việc dự phòng bệnh thương hàn cũng rất quan trọng. Đầu tiên, cần cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường nơi bạn sinh sống, kiểm soát nước, chất thải, cống rãnh, khử trùng nguồn nước; cách ly và xử lý chất thải của bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ và điều trị người lành mang trùng.

Trong vùng có nhiều người mắc bệnh hoặc vùng bị lũ lụt, ô nhiễm môi trường nặng cần được sát khuẩn bằng dung dịch Cloramin B, vôi bột. Ở những nơi bệnh thương hàn thường xuyên xảy ra nên tiêm phòng bằng vaccin, tùy từng hiệu lực của từng loại vaccin có thể tiêm nhắc lại sau 2-5 năm.

Thực hiện ăn chín uống sôi. Rửa tay sạch trước khi ăn uống, sau khi lao động, tiếp xúc với đồ vật. Cần xử lý tốt các chất thải của bệnh nhân. Dùng lồng bàn đậy thức ăn khỏi bị ruồi, nhặng làm nhiễm bẩn. Những người lành mang vi khuẩn không được phép làm việc ở các cơ sở dịch vụ ăn uống. Tích cực diệt ruồi, nhặng, gián...

Tags:
3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.91494 sec| 822.922 kb