Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học về tình trạng rút ruột, ăn cắp xăng rầu rồi pha trộn trái phép lẫn lộn các thành phần chất vào xăng dầu. Các sản phẩm nếu được pha trộn và bán ra ngoài thị trường có thể là một trong những nguồn cơn dẫn đến hiện tượng các phương tiện như ô tô, xe máy bị chết máy hoặc cháy nổ khi lưu thông trên đường.
Vào hôm qua (9/3), tại TP Hồ Chí Minh, các trinh sát của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã bắt quả tang tài xế Võ Sương, phụ xe Trần Thanh Quý đang cùng Đoàn Anh Dũng và một người khác phá niêm chì, xả van rút xăng trên xe bồn 51D-084.24 ở gần tổng kho xăng dầu Cát Lái (phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM).
Qua khai thác nhanh, các nghi can khai nhận móc nối với các tài xế xe bồn rút trộm xăng dầu khi chở hàng từ cảng Cát Lái về. Mỗi can 30 lít mua với giá 320.000 đồng (dầu) và 400.000 đồng (xăng) và bán lại với giá lần lượt là 400.000 đồng và 500.000 đồng.
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vừa triệt phá vụ rút ruột xăng quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh báo Thanh niên. |
Qua điều tra, các tài xế chuyên lái xe bồn chở xăng dầu cho các kho lớn trên địa bàn TP.HCM trên đường di chuyển sẽ tấp vào các địa điểm hẹn trước, tháo niêm phong, hút xăng dầu bán trộm. Để tránh phát hiện lượng xăng dầu hao hụt, nghi vấn các tài xế xe bồn pha tạp chất vào bồn để đủ số lượng, đóng lại niêm phong, đi giao cho các cây xăng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành khác.
Trước đó, ngày 4/3/2016, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9, Chi cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã phát hiện ra xe ô tô mang biển kiểm soát 29 C 391.61 đang vận chuyển 8.815 lít chất lỏng, nghi là xăng, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Theo các cơ quan chức năng, khi kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bồn chứa của chiếc xe trên có 3 khoang chứa nhưng lượng hàng trên lại của 2 chủ hàng khác nhau.
Lái xe kiêm chủ hàng của khoang số 1 chứa 4.610 lít chất lỏng là ông Trần Mạnh Tiến (sinh năm 1971), trú tại xã Sơn Cầm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Chủ hàng của 4.205 lít xăng còn lại của ông Đặng Minh Tâm (sinh năm 1973), trú tại thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên.
Theo lời khai ban đầu của 2 người này, họ đều thừa nhận số chất lỏng nghi là xăng nói trên là hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài về, nhưng sau đó lại khai mua từ một người dân không rõ tên tuổi, địa chỉ để bán kiếm lời và toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ gì kèm theo.
Điều đáng nói là trước khi chiếc xe trên bị phát hiện và bắt giữ tại khi dừng đỗ tại Trạm soát vé số 1, Quốc lộ 5A, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã báo cho Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên về nguồn tin tố giác cho biết có hành vi móc nối bơm hút xăng dùng cho máy bay tại khu vực kho của Công ty TNHH Một thành viên 165 thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội (tại thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) để đưa ra ngoài, tiêu thụ trên thị trường.
Kết quả giám định số chất lỏng trên tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ), mẫu hàng được kiểm tra trong số hàng trên không xác định được chỉ số ốc tan (chỉ số chống kích nổ) và hàm lượng chì trong số chất lỏng, cũng không có hiện tượng kích nổ khi dẫn nhiên liệu này vào buồng đốt.
Do đó cơ quan điều tra nghi xăng này không phù hợp với mức yêu cầu đối với các quy định về kỹ thuật của xăng không chì tại QCVN 1:2015/BKHCN.
Theo các chuyên gia, chính vì hành vi vi phạm pháp luật là rút ruột và pha trộn tạp chất vào xăng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng một số phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường bị chết máy, cháy, nổ... gây nguy hiểm, mất an toàn cho người dân như báo chí vẫn phản ánh trong thời gian qua.
Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Khanh - Khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP. HCM từng phát biểu trên báo chí, xăng máy bay (chủ yếu là loại Jet A1) là một loại nhiên liệu tạo thành từ dầu kerosene (KO). Thành phần hóa học của Jet A1 chủ yếu là các hydrocarbon, do đó khác nhiều so với xăng A92 hoặc A95, giống dầu diesel hơn.
Nếu như sử dụng xăng máy bay cho các loại động cơ diesel (ví dụ xe buýt, xe tải, xe container...) thì có thể chạy được, vì tính chất của Jet A1 tương đối giống tính chất của dầu diesel.
Tuy nhiên với các loại động cơ xăng (như xe máy, ô tô gia đình...) thì không dùng được Jet A1. Dùng xăng máy bay cho xe máy chắc chắn sẽ bị chết máy hoặc hỏng động cơ do bị kích nổ.
Trong trường hợp pha xăng máy bay với các loại xăng A92, A95 thì tùy vào việc pha nhiều hay ít mà có thể sử dụng được cho động cơ xăng, xong khả năng gây hỏng hóc động cơ xe hoặc gây cháy nổ vẫn có thể xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng xăng pha tạp không chuẩn chất lượng có thể là nguyên nhân gây cháy phương tiện. Ảnh Internet |
Còn theo anh Nguyễn Trần Duy, nhân viên trong Bộ phận Kỹ thuật của Sân bay Quốc tế Nội Bài, loại xăng dùng cho máy bay là khác hẳn so với xăng dành cho các loại phương tiện giao thông.
Do đó khi dùng loại xăng máy bay cho các loại phương tiện như ô tô, xe máy sẽ có những ảnh hưởng lớn, bởi vì động cơ "không khớp" với nhiên liệu, có khả năng gây hỏng hóc và thậm chí cháy nổ trong quá trình các phương tiện này hoạt động.
Theo lời của một chuyên gia xăng dầu, loại xăng máy bay chỉ dành riêng cho động cơ phản lực là loại xăng đặc dụng, khi pha chế không theo một quy trình, chất lượng đảm bảo nào thì càng nguy hại cho động cơ nổ của các phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, ôtô các loại…
Thông thường nhất là xăng máy bay sẽ được pha trộn với dầu DO. Việc sử dụng loại xăng pha này không những gây hỏng hóc máy móc cho các phương tiện mà còn có thể gây cháy, nổ bất ngờ khi đang lưu thông trên đường.