Theo đó, trong thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng tại 100% các quận, huyện và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mở rộng thí điểm tại một số quận, huyện, xã, phường của 3 TP trực thuộc T.Ư là Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. Ngoài ra, hiện có 3 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai đang đề nghị Bộ Y tế cho phép thí điểm mô hình này. Thời gian thí điểm dự kiến là một năm.
Mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở sẽ được nhân rộng trên địa bàn Hà Nội. |
Trước đó, mô hình thanh tra chuyên ngành cấp cơ sở được thí điểm tại 10 quận, huyện, 20 xã phường của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 15/11/2015 đến 15/11/2016. Trong thời gian đó, TP Hà Nội đã thanh tra 781 cơ sở, kiểm tra 2.755 cơ sở, xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1,2 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, các đoàn thanh tra đã xử lý vi phạm 2.163 cơ sở, phạt tiền 923 cơ sở với số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng.
Đánh giá chung về hiệu quả của mô hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, khi mô hình này được triển khai chính quyền cơ sở có thêm “công cụ” để quản lý ATTP. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tự điều chỉnh hành vi khi thấy chính quyền có thẩm quyền mạnh trong quản lý ATTP nên đã nghiêm túc hơn các quy định về ATTP. Thông qua mô hình này, người dân thấy yên tâm hơn khi thấy Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các cấp vào cuộc quyết liệt giải quyết vấn đề ATTP, giám bớt lo lắng của người dân về vấn nạn mất ATTP.
Tuy nhiên, đại diện Cục ATTP, Bộ Y tế nhấn mạnh đến những khó khăn tồn tại trong triển khai mô hình này, đặc biệt là vấn đề nhân lực. Hiện cấp xã, phường không có cán bộ chuyên trách về ATTP, nghiệp vụ thanh tra mới được tiếp cận nên có tâm lý sợ sai, ngại va chạm khi thực thi nhiệm vụ. Tâm lý “hàng xóm, họ hàng” khiến kết quả xử phạt bị hạn chế.