Nhờ vậy, công tác đảm bảo ATTP trên toàn TP có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, TP sẽ xem xét để nhân rộng mô hình này với mục tiêu loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi thị trường.
Tuýt còi nhiều cơ sở vi phạm
Không ngồi “đút chân gầm bàn” chỉ đạo mà phải đi kiểm tra thực tế là yêu cầu của TP đối với lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường khi triển khai thanh tra ATTP. Đích thân các Phó Chủ tịch cấp quận, huyện phải đi kiểm tra ATTP ít nhất một lần trong 2 tuần, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra một lần/tuần, còn Phó Chủ tịch kiểm tra 2 lần/tuần.
Cách làm này của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, cần được nhân rộng trên cả nước. Qua đó, nhiều cơ sở vi phạm đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Tại các quận, huyện thí điểm, các đoàn thanh tra đã thanh tra, kiểm tra đột xuất gần 700 cơ sở, phát hiện 176 cơ sở vi phạm và xử lý vi phạm 170 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng. Tính trên toàn TP, Hà Nội đã kiểm tra gần 77.400 lượt cơ sở và phát hiện trên 12.370 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền trên 22 tỷ đồng, 3 vụ vi phạm đã được chuyển điều tra hình sự.
Đánh giá hiệu quả của mô hình này, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP cao hơn so với kiểm tra ATTP. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thấy chính quyền phường có thẩm quyền mạnh trong quản lý ATTP đã thực hiện nghiêm túc hơn các quy định của Nhà nước về ATTP, chủ động đăng ký xin xác nhận kiến thức, đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tự giác khắc phục các tồn tại sau khi thanh tra, kiểm tra. Hoạt động này cũng nhận được sự ủng hộ cao của người dân. Nhận thấy sự quan tâm của chính quyền đối với vấn đề mình đang lo lắng về ATTP, nhiều người đã chủ động phản ánh các cơ sở có dấu hiệu vi phạm tới lãnh đạo xã, phường.
Thanh tra chuyên ngành ATTP phường Trung Liệt, quận Đống Đa trong buổi thanh tra nhà hàng Món Huế (105 Thái Hà). Ảnh: Trần Nga |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong cũng thừa nhận công tác thanh tra cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... Trong khi đó, cán bộ, công chức tại tuyến xã, phường được giao nhiệm vụ thanh tra vẫn phải đảm nhận nhiều việc cùng lúc nên việc tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ khó diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đã được tập huấn cấp chứng chỉ thanh tra, nhưng thời gian tập huấn còn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, nên còn sự e ngại. Mặt khác, tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.
Tăng tần suất thanh tra chuyên ngành
Khó khăn là vậy, nhưng so với những số liệu thanh tra, kiểm tra nêu trên cùng minh chứng từ đầu năm đến nay Hà Nội không để xảy ra bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm nào lớn đã cho thấy hiệu quả của mô hình này. Nó không chỉ có tác động đến ý thức người dân mà còn thể hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước. Do vậy, trong thời gian tới, ông Phong kiến nghị nên nhân rộng mô hình này ở tất cả các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Ông Nguyễn Thanh Phong đề nghị các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm ATTP, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm (chợ, lò giết mổ…), thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm (rau, thịt)… Sau khi xử lý vi phạm hành chính cần công khai danh sách các cơ sở vi phạm, các cơ sở bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tới đây TP sẽ lập lực lượng phản ứng nhanh về ATTP. Bên cạnh đó, cùng với các xe kiểm nghiệm nhanh thực phẩm tại chỗ mà TP mới tiếp nhận, công tác kiểm tra, xử lý đảm bảo ATTP sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Người dân Thủ đô kỳ vọng rằng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền sẽ đẩy lùi thực phẩm “bẩn” ra khỏi thị trường. |