Giày Adidas nhập khẩu từ Trung Quốc được gắn má "made in Vietnam"
Cận cảnh hàng Trung Quốc giả nhãn hiệu nổi tiếng
Ngày 30/6, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) – Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I thực hiện quyết định khám xét các container trong 13 container nhập khẩu từ Trung Quốc theo loại hình hàng quá cảnh.
Theo đó phát hiện nhiều mặt hàng bị làm giả nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu nổi tiếng như: Giày Adidas, áo Nike, quần Adidas, túi xách LV, điện thoại Apple... đặc biệt hơn, nhiều giày nhãn hiệu Adidas được gắn nhãn "made in Vietnam", thậm chí có loại trên cùng một sản phẩm gắn tên hai thương hiệu thời trang nổi tiếng là Adidas và Gucci.
Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, hiện nay trên thị trường, quần áo thời trang Trung Quốc đội lốt nhãn hiệu thời trang "made in Vietnam", Hàng Việt Nam xuất khẩu... được bày bán tràn lan trên thị trường. Bên cạnh dó, trên chợ online, các shop kinh doanh túi xách bán hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng cũng vô cùng phổ biến.
Trên cùng một đôi giày mang hai nhãn hiệu thời trang nổi tiếng là Adidas và Gucci
Made in Vietnam, xuất khẩu Việt Nam… đều là hàng giả
Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm sản phẩm quần áo giả nhãn hiệu của Công ty may Việt Tiến tại một số cửa hàng bán quần áo trên địa bàn TP Biên Hòa... Đây không phải là lần đầu tiên, một hãng thời trang của Việt Nam bị làm giả nhãn hiệu.
Khi nói về vấn nạn hàng Trung Quốc đội lốt thương hiệu thời trang của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang chia sẻ: Các nhãn hiệu hàng thời trang như: Made in Việt Nam, hàng xuất khẩu Việt Nam… thực chất đều là hàng giả hết!
“Tôi đã từng sang vùng Quảng Châu (Trung Quốc), nơi được coi là thiên đường hàng nhái thì thấy ở đây họ sản xuất những sản phẩm nhỏ nhất là từ cái răng áo, khuy áo, thời trang bình dân đến các sản phẩm mang thương hiệu thời trang lớn trên thế giới trong đó có cả hàng Việt Nam.
Không biết bằng con đường nào đó, những mặt hàng này được chuyển về Việt Nam và len lỏi vào các cửa hàng với thương hiệu: Made in Vietnam, hay hàng Việt Nam xuất khẩu… Do đó những cửa hiệu bán hàng này đều là hàng giả hết”, ông Giang khẳng định.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp dệt may cho hay, thương hiệu thời trang của vị doanh nghiệp này cũng đã từng bị làm giả và ông đã mất một thời gian để tìm hiểu, đi khảo sát và tìm ra được cơ sở chuyên sản xuất hàng nhái mang thương hiệu của doanh nghiệp ông. Theo vị doanh nghiệp này, không riêng gì nhãn hiệu thời trang của doanh nghiệp ông mà có rất nhiều nhãn hàng khác cũng bị làm nhái.
“Mỗi cơ sở sản xuất chỉ cần có khoảng từ 20-30 lao động, thậm chí là 5-10 người lao động, là họ có thể sản xuất được một số mặt hàng thời trang y hệt các thương hiệu được bán trên thị trường. Họ làm giả được với những thương hiệu bình dân như thời trang xuất khẩu Việt Nam, Made in Vietnam… cao hơn nữa là những nhãn hiệu thời trang cao cấp của nước ngoài có giá trị lớn”, vị doanh nghiệp trên tiết lộ thêm.