Anh N.Đ.V cho biết: “Thời gian lâu nay, tôi thấy trên các trang bán hàng online quảng cáo phóng đại, sai thực tế diễn ra quá thoải mái. Chẳng hạn như, quảng cáo kem làm sạch xoong nồi Hàn Quốc, thậm chí thuốc chữa bệnh (Boca), đèn bắt muỗi Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v. Quảng cáo sai nhiều đến mức có thể coi như lừa đảo, trong khi đó thì phần nhận xét (comment) của khách hàng thì bị chặn hoặc không có. Đề nghị báo quý báo bố trí mục góp ý dành cho người tiêu dùng.”
Những quảng cáo các mặt hàng giả không được kiểm chứng, tiềm ẩn rủi ro cao cho người tiêu dùng
Hoạt động quảng cáo trên các trang mạng xã hội ngày nay phát triển rất mạnh mẽ. Bởi nguồn thu nhập chính của các mô hình hoạt động không thu phí người dùng với quy mô “khổng lồ” như Facebook, Messenger, Instagram, Zalo,… là việc bán quảng cáo cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Bất kì cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng có thể sử dụng các mạng xã hội này để quảng cáo cho hàng hóa, dịch vụ của mình.
Những người mua quảng cáo ở các mạng xã hội được sử dụng nhiều tính năng đặc biệt như hạn chế hoặc tắt bình luận, được cung cấp những thông tin về “phân khúc người dùng”, hiệu quả quảng cáo… Các quảng cáo này thuộc dạng tinh chỉnh, hướng đến đúng đối tượng, vì thế hiệu quả mang lại rất cao và được hàng chục triệu doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp thế giới ưa chuộng và sử dụng.
Tuy nhiên, các trang mạng xã hội này không có chính sách quản lý, kiểm soát những hoạt động quảng cáo. Chính vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng đặc điểm này để thoải mái quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn có tính lừa dối khách hàng nhằm mang lại nguồn lợi lớn cho mình.
Vậy, pháp luật có quy định gì về hoạt động quảng cáo phóng đại, sai thực tế?
Bộ phận tư vấn pháp luật chuyên trang Tieudung.vn (Báo Kinh tế & Đô thị) xin thông tin bạn đọc như sau: Hoạt động quảng cáo hàng hóa sai thực tế được quy định là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, cụ thể theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo:
“Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”
Những quảng cáo "bẩn" trên Facebook luôn là đề tài gây tranh cãi tại các diễn đàn về công nghệ và kỹ thuật
Có chế tài nào cho hành vi quảng cáo sai sự thật không?
Câu trả lời là có, những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng các tiêu chuẩn của hàng hóa dịch vụ hoặc quảng cáo có tính lừa dối, gây nhầm lần cho người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức trên phải có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai.
Nếu tiếp tục lặp lại vi phạm hành vi trên sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
” 1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các hình thức quảng cáo trên Internet, đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… Các hoạt động quảng cáo “online” diễn ra một các tự phát, tràn lan và khó kiểm soát. Pháp luật chỉ quy định chung chung về quảng cáo mà chưa có quy định cụ thể dành riêng cho các hoạt động quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trên Internet.