Dịch sốt xuất huyết và những con số đáng báo động
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát khá mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước khiến không ít người lo lắng. Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết trên tờ VnExpress mới đây, thực trạng điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết ở tất cả bệnh viện Hà Nội đang rất căng thẳng. 20 ngày qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có hàng nghìn lượt bệnh nhân khám sốt xuất huyết mỗi ngày, đến 85% đến từ Hà Nội. Theo ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhiều bệnh nhân đi khám 3-4 lần nên số lượt khám lớn, còn 10% là bệnh nhân thực tế.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Ảnh: VnExpress
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp sốt xuất huyết, 24 người tử vong. Gần 70.000 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Riêng Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có gần 14.000 bệnh nhân sốt xuất huyết và 7 người tử vong, chỉ đứng sau TP HCM.
Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết đang lan rộng như hiện nay, nhiều cha mẹ đã chọn mua những sản phẩm thuốc xịt muỗi, kem thoa chống muỗi... được bày bán khá nhiều trên thị trường như một giải pháp phòng chống muỗi tiện dụng, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ. Thế nhưng khi sử dụng thuốc chống muỗi, cần lưu ý công dụng sao cho phù hợp và an toàn với sức khỏe mỗi người, bởi trong các loại thuốc và kem chống muỗi đều chứa các loại hóa chất sẽ gây ảnh hưởng cho sức khỏe.
Những tác dụng phụ khi dùng thuốc chống muỗi
Trên thị trường hiện nay có nhiều các sản phẩm chống muỗi đốt, từ dạng kem, gel, dung dịch bôi cho đến các loại thuốc nước, thuốc xịt... Thành phần chính của các loại sản phẩm này là cga6t1 DEET với tỷ lệ thấp nhất là 15% cùng các loại hóa chất khác.
Các sản phẩm chống muỗi đốt với thành phần có nhiều hóa chất gây ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh minh họa
Dưới đây là một số tác dụng phụ mà các loại thuốc chống muỗi có thể mang lại, theo thông tin trên báo Sức khỏe & đời sống:
Nguy cơ phơi nhiễm hóa chất: Không chỉ trẻ nhỏ, mà ngay cả người lớn khi sử dụng thuốc hoặc kem bôi chống muỗi đều có nguy cơ phơi nhiễm hóa chất. Bởi khi các vùng da hở như vết thương, nốt muỗi đốt cũ đã gãi trầy xước… tiếp xúc với các loại thuốc chống muỗi, cơ thể có nguy cơ bị phơi nhiễm hóa chất qua các vùng da hở này.
Gây tổn hại đến đường hô hấp:Các báo cáo về triệu chứng phổ biến của việc nhiễm độc DEET ở trẻ em có trong thuốc hoặc kem chống muỗi là đau đầu, run, mất kiểm soát, động kinh và co giật. Hầu hết các trường hợp nhiễm độc do tiếp xúc với DEET được báo cáo đều liên quan trẻ em dưới 8 tuổi.
Khi dùng loại bình xịt chống muỗi cho vùng mặt và cổ, thuốc xịt có thể lẫn vào không khí và dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp.Việc này cũng giống như việc hít phải chất độc hại.
Dùng thuốc chống muỗi cho trẻ em, mẹ phải đặc biệt lưu ý những tác dụng phụ mang lại. Ảnh minh họa
Gây tổn hại cho da:Những người viêm da cơ địa, có làn da rất dễ mẫn cảm (cả trẻ em và người lớn) thì nên cẩn thận khi sử dụng các loại sản phẩm thuốc hoặc kem chống muỗi này bởi những hóa chất có trong thành phần của chúng.
Mặt khác, bôi kem chống muỗi đốt chỉ có tác dụng tạm thời, khi thuốc bay hết lại phải bôi tiếp. Nếu bôi kéo dài và bôi nhiều cũng có thể gây hại cho da. Đôi khi còn xuất hiện các tác dụng phụ như phản ứng kích ứng (da đỏ lên, rát, bong vảy) hoặc gây dị ứng da (da sưng nề, đỏ lên, ngứa, mụn nước li ti hoặc có mủ...).
Lưu ý khi dùng thuốc chống muỗi cho trẻ Trong thuốc chống muỗi chứa một số loại hóa chất tổng hợp có thể nguy hiểm cho cơ thể bé khi chúng xâm nhập vào trong da. Nhất là đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, không được sử dụng bất kỳ sản phẩm chứa DEET nào. Với bé trên 6 tháng tuổi, nên tránh dùng kem chống muỗi bôi trực tiếp lên da. Không bôi thuốc lên tay trẻ, vì trẻ thường xuyên cho tay vào miệng. Một số loại kem (dầu) chống muỗi có mùi hương và nồng độ rất mạnh, dễ gây dị ứng cho làn da nhạy cảm của bé. Sử dụng thuốc dạng nước hoặc kem thay vì thuốc phun xịt. Việc đó giúp cho trẻ không bị hít quá nhiều thuốc côn trùng, vì khi phun, thuốc dạng bụi nước có xu hướng lan ra khắp nơi. Nếu muốn sử dụng thuốc cho quần áo, hãy xịt thuốc khi không có trẻ và trước khi trẻ mặc chừng 30 phút. Sau khi không cần thiết phải bôi thuốc cho trẻ nữa, phải tắm rửa cho trẻ sạch sẽ để loại bỏ hóa chất có hại còn lưu lại trên da. |