Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định ngay cả khi ký kết để bên thứ ba cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trái quy định, nhà mạng vẫn phải chịu trách nhiệm - Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN |
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 30-9, ông Quảng cho biết thời gian qua Cục Quản lý cạnh tranh đã ghi nhận nhiều phản ảnh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc tổ chức, cá nhân gửi tin nhắn với các hình thức “bẫy” người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng rồi thu phí.
Và nếu có bằng chứng về sự vi phạm trên, người tiêu dùng và hiệp hội hoàn toàn có quyền kiện.
Luật cho phép
Ông Quảng cho biết căn cứ điều 30 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khởi kiện ra tòa án là một trong bốn phương thức người tiêu dùng có quyền sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trong trường hợp vụ việc liên quan đến lợi ích công cộng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đáp ứng quy định tại điều 24 của nghị định 99/2011 hướng dẫn chi tiết về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có thể tự mình khởi kiện hoặc đại diện người tiêu dùng đứng ra khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về việc các nhà mạng tự động kích hoạt để người tiêu dùng dùng thử dịch vụ trong thời gian nhất định, quá thời hạn trên tự động thu phí, bắt ép người tiêu dùng phải soạn tin nhắn hủy dịch vụ thì mới ngừng sử dụng dịch vụ, theo ông Quảng, những hành vi như vậy đang ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Với các dịch vụ mà nhà mạng đóng vai trò là bên thứ ba, ông Quảng khẳng định Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định rất rõ trách nhiệm của bên thứ ba này trong việc đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, cũng như họ phải chịu trách nhiệm liên đới khi thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ...
Chờ người tiêu dùng ủy quyền
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas), cho biết những khiếu nại liên quan đến phát sinh cước tại các nhà mạng là một trong những vấn đề bức xúc.
Thực tế, không ít nhà mạng từng bị cơ quan chức năng thanh tra, xử phạt, song nhiều trường hợp người tiêu dùng bị trả phí oan mà vẫn không được bồi thường.
Ông Hùng khẳng định theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc các nhà mạng cung cấp dịch vụ như phản ánh của Tuổi Trẻ là thuộc vào hành vi bị cấm.
Cụ thể, đó là hành vi “lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa dịch vụ được cung ứng ra”.
Ngoài ra, còn vi phạm vào “quyền của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh về hàng hóa đền bù”.
Tuy nhiên theo ông Hùng, vấn đề lớn nhất hiện nay khi khởi kiện người sản xuất, cung cấp dịch vụ là phải có chứng cứ rõ ràng.
Trong khi đó, tổn thất mà khách hàng gặp phải thường không lớn, chỉ vài chục hoặc vài trăm nghìn đồng, nên nhiều khách hàng đã chấp nhận “tặc lưỡi” cho qua.
Trong khi đó, cơ quan hội hoạt động không có nguồn thu, không đủ nguồn tài chính cũng như chứng cứ rõ ràng để đứng ra khởi kiện, “nên nếu như không có sự ủy quyền của người tiêu dùng thì rất khó để độc lập khởi kiện” - ông Hùng nói và cho biết Vinastas sẵn sàng tiếp nhận để tư vấn, giải quyết những khiếu nại của người tiêu dùng bị các nhà mạng xâm hại quyền lợi trái quy định.
Khiếu nại liên tục “rơi” vào MobiFone Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, gần đây đã phát sinh hàng loạt vụ việc khiếu kiện liên quan các dịch vụ giá trị gia tăng và đang tập trung vào nhà mạng MobiFone. Điển hình, Vinastas vừa tiếp nhận đơn của Công ty CP TMDV Logistics. Theo hợp đồng ký với MobiFone thì ngoài việc sử dụng gói cước di động, tin nhắn, đơn vị này có cho một số nhân viên được sử dụng thuê bao 3G (gói MIU 70 hoặc MIU 90). Tuy nhiên, đơn vị này đã hủy dịch vụ MIU 90. Vậy mà liên tiếp trong 2 tháng, nhà mạng vẫn đòi tiền. Đáng lưu ý, có thuê bao chỉ 5 ngày sử dụng cước lên tới trên 884.000 đồng. Đặc biệt, khi khiếu nại chưa được giải quyết, nhân viên thu tiền của MobiFone liên tục gọi điện “làm phiền”, nhắn tin dọa “nếu không MobiFone sẽ ngừng cung cấp dịch vụ”. Nhờ Vinastas hỗ trợ, song phải đến hơn một tháng sau MobiFone mới giải quyết xong. Nhà mạng công nhận dù đã hủy gói cước nhưng khách hàng lại... không hủy dịch vụ dữ liệu nên dung lượng sử dụng được tính theo gói... mặc định. MobiFone đã chấp nhận hoàn tiền nhưng theo hình thức “hỗ trợ 50% là 1 triệu đồng”. Cũng MobiFone, ông Hoàng Đức Thịnh (ngụ tại Long Biên, Hà Nội) cho biết đã gia hạn sử dụng gói cước data D5, với mức giá là 5.000 đồng/ngày. Song cũng ngay tại thời điểm gia hạn, chưa hề sử dụng thì thuê bao đã bị trừ tiền trong tài khoản chính. Liên tục khiếu nại ba lần đến MobiFone không xong, ông Thịnh gửi đơn lên Vinastas, sau đó nhà mạng này mới thừa nhận do “thời điểm gia hạn gói cước D5 chưa cập nhật đồng bộ hệ thống, nên dẫn tới việc thuê bao bị tính cước ngoài gói”. Do nhà mạng tính sai, ông Thịnh đòi MobiFone phải bồi hoàn cả những chi phí 5 lần đi lại của mình nhưng không được giải quyết. Đại diện MobiFone cho biết chưa có cơ sở pháp lý để đền bù thiệt hại gián tiếp trên. Mệt mỏi với 5 lần đi lại, ông Thịnh đành chịu trong sự ấm ức. |