Ngày 11/4/2023, sau lùm xùm trên mạng xã hội, nhiều khách hàng mang theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đến trụ sở Tập đoàn Manulife (tại số 75 Hoàng Văn Thái, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) nói chuyện phải quấy, đề nghị doanh nghiệp này giải thích thông tin. Phóng viên Ngày Nay đã có mặt tại đây để ghi nhận những cuộc trao đổi, đối chất giữa công ty và khách hàng, cũng như những câu chuyện bức xúc, mong muốn, yêu cầu từ người mua bảo hiểm.
Sau vụ Ngọc Lan, rất nhiều người mang hợp đồng lên Manulife làm việc. |
Treo đầu dê, bán thịt chó
Khoảng 9 giờ sáng, phòng tư vấn chăm sóc khách hàng và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại ở lầu một Toà nhà Manulife Plaza không còn chỗ ngồi, khoảng 15 người dân đủ mọi tầng lớp, từ người làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ đến những người kinh doanh tự do, cả nam lẫn nữ, người trẻ người già lấy số chờ đợi tới lượt được vào quầy làm việc với các nữ nhân viên. Thi thoảng, bộ đàm của nhân viên bảo vệ lại phát lên: “Lầu một hết chỗ, cho lên lầu hai”. Những người đến sau, buộc phải ngồi đợi ở sảnh lễ tân dưới trệt.
Trao đổi với phóng viên, đa số những người có mặt cho biết đến để hỏi rõ nội dung hợp đồng, sau khi nghe lùm xùm vụ diễn viên Ngọc Lan. Anh Đ. (45 tuổi) cho biết, cách đây ba năm (2020), bà xã anh nghe lời người quen giới thiệu nên mua bảo hiểm cho bản thân và con trai tại Manulife. Khi vụ Ngọc Lan xảy ra, anh xem lại hợp đồng mới tá hoả vì thời hạn đáo hạn của hợp đồng của bà xã anh là 58 năm (đến 2078 thay vì 2040) và con trai là 19 năm (đến 2039 thay vì 2035). Con số này khác với ý nguyện của gia đình đã thông tin cho tư vấn viên.
Sau một hồi chờ đợi, anh Đ. đến lượt vào quầy làm việc, nhân viên Manulife từ chối giải quyết với lý do không phải là người đứng tên trên hai hợp đồng (bà xã anh Đ. đứng tên). “Tiền mua bảo hiểm là của chung hai vợ chồng và tôi cũng là người giám hộ cho con trai (bé mới 5 tuổi), do đó tôi có quyền được biết về nghĩa vụ và quyền lợi hai hợp đồng này”, anh Đ. phản ứng và đưa ra nhiều lập luận thì nhân viên đồng ý làm việc với điều kiện “phải có giấy ủy quyền của bà xã”.
Anh Đ. thuật lại câu chuyện từ ba năm trước, bà xã có chút thu nhập nhàn hạ, mỗi năm cỡ 20-30 triệu đồng nên nghe theo lời từ vấn của cô em trong nhà mua bảo hiểm nhân thọ, nhiều anh chị khác trong gia đình cũng mua. Lúc tư vấn, nhân viên cũng tư vấn đàng hoàng, khuyên không mua trứng vào một giỏ. Hai mẹ con mua hai gói, gói mẹ là điểm tựa đầu tư 20 năm, còn con là gói chắp cánh tương lai ưu việt 15 năm (từ 3 tuổi đến 18 tuổi). Số tiền cả hai mẹ con phải đóng hằng năm là gần 30 triệu đồng/năm, đến nay đã đóng được hai năm. “Tôi về làm giấy uỷ quyền, chiều sẽ quay trở lại”, anh Đ. nói.
Khách hàng phải bốc số chờ đợi khá lâu mới đến lượt. |
Rút thì mất, đóng mất thêm?
Trong sáng 11/4, khoảng 10 người được đến quầy làm việc, hỏi cách thức rút lại số tiền đã mua bảo hiểm nhưng đa số đều không đòi được xu nào với lý do tương tự nhau là "tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng”, dẫu cho bảo hiểm luôn luôn đưa ra những thông tin ngọt ngào như: “lúc nào cũng có thể rút lại tiền”, “sau một thời gian thì được rút cả vốn lẫn lời”...
Cô L. xách theo một túi nilon, bên trong chứa vài loại giấy tờ viết tay nhưng không có hợp đồng bảo hiểm. “Cô lên làm việc với họ nhiều lần rồi, nó giải thích này kia không thoả đáng, nên hôm nay cô chán quá lên làm việc tiếp mà không mang theo hợp đồng nữa”, cô L. nói và kể lại sự việc bản thân bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ Manulife như thế nào:
“Hai năm trước (2021), cô mang 70 triệu đồng đến ngân hàng SCB ở số 79 đường Cộng Hoà (Q.Tân Bình – PV) để làm sổ tiết kiệm. Tại đây, cô được hai nhân viên, một của SCB, một của Manulife tư vấn có gói đầu tư tiết kiệm nhỏ rất có lợi. Cô nói là không có mua bảo hiểm nhân thọ thì họ bảo đây là sản phẩm đầu tư tâm an, bố con mua, mẹ con mua, bà ngân hàng cũng mua, cô cứ yên tâm.
Khi đóng 70 triệu đồng xong thì cô hỏi sổ tiết kiệm của đâu thì họ bảo đang làm, khi nào có sẽ gọi thì cô lên lấy. Mười mấy ngày sau, họ gọi điện. Cô lên thì họ đưa cô cái quyển này, lúc này cô mới bật ngửa, đây đâu phải sổ tiết kiệm mà là bảo hiểm nhân thọ thôi mà. Lần này, họ vẫn bảo là sản phẩm đầu tư tâm an. Họ giải thích, cô chỉ cần đóng tiền 5 năm thôi, thì sẽ được rút hết cộng với tiền lãi nữa, nếu đóng 350 triệu đồng thì rút ra là 502 triệu đồng. Họ nói miệng vậy.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Manulife của cô là 33 năm, mỗi năm đóng 70 triệu đồng. Cô mới đóng được hai năm là 140 triệu đồng. Chính cái lần thứ hai đóng tiền là cô sợ lắm luôn. Lúc làm việc thì nhân viên nói là không sao đâu, cứ đóng vào...
Cô đóng xong năm thứ hai, cô lên công ty thắc mắc thì nhân viên khác bảo là không được rút, rút là mất hết, chuyện nhân viên tư vấn là khác, con chỉ căn cứ trên hợp đồng. Hợp đồng làm gì có điều khoản nào nói năm thứ hai rút là được?, mất 100%. Con không biết người ta giải thích với cô thế nào, con không phải là bạn nhân viên đó, con không biết là cô nói đúng hay bạn đó nói đúng. Nhưng mà con giải thích trên cơ sở hợp đồng, thì một trong ba năm đầu tiên mà rút là mất 100% tiền đã đóng, từ 4-5 năm mà rút là mất 90%.
Thế thì, từ 4-5 năm, lại đóng tiền vào để lại mất 90% à? Nó bảo là có hai phương án, một là không đóng nữa, hai là đóng tiếp, giờ cô chọn phương án nào. Rút tiền thì mất, mà đóng tiếp mình đã biết bị lừa rồi mà bây giờ lẽ nào lại đưa thêm 70 triệu đồng để bị lừa tiếp?
Họ lừa mình, chứ ban đầu họ đâu có nói rõ như thế. Nếu nói như thế thì thần kinh hay sao mà mua, cứ đóng tiền là trừ phí, đưa tiền là trừ phí. Ba năm lâu lắm chứ, 70 triệu một năm nhiều lắm chứ, vậy mà ba năm lấy ra mất 100%. Trong hợp đồng, họ ghi là phí dự kiến. Cô hỏi tại sao lại gọi là phí dự kiến, phí dự kiến là thế nào? Họ nói rằng, đó là dự kiến minh hoạ cho cô, tức là nếu 5 năm đóng tiền thì lãi bằng nhiêu đây, đây là con số dự kiến chứ không phải số thực tế, tức là bọn này nó lừa từ lúc làm hợp đồng.
Cô vừa mới bị ăn cướp tiền đó, cô không thể chịu được. Khốn nạn cực kỳ, mà lừa đảo là lừa đảo từ trên cái thằng to nhất. Nói rằng mình không hiểu là không đúng, nó chủ trương lừa đảo từ đầu. Cô bảo là không mua bảo hiểm nhân thọ rồi mà nó vẫn bảo là không phải bảo hiểm nhân thọ đâu. Nhưng cuối cùng lại là bảo hiểm nhân thọ”. Khi cô L. tới lượt vào quầy làm việc, nhân viên yêu cầu hợp đồng bảo hiểm gốc. Vì cô L. không mang theo nên Manulife từ chối làm việc.
Trụ sở chính của Manulife ở Q.7 |
Cả nhà bật ngửa
- “Thế là bây giờ rút ra mất 100% à?”, anh N. hỏi.
- “Dạ!”, nhân viên Manulife trả lời.
Anh N. và người thân ngao ngán đứng dậy rời khỏi phòng tiếp khách hàng tại trụ sở Manulife. Gia đình anh N. trú ở Q.7, được một nhân viên bán bảo hiểm của Manulife gần nhà tư vấn mua bảo hiểm như một dạng đầu tư sinh lời. Người này ví dụ, nếu đóng tiền 15 năm 193 triệu đồng thì nhận lại 246 triệu đồng. Nếu đóng 20 năm 258 triệu đồng thì nhận lại 471 triệu đồng. Kèm theo là được đảm bảo nhiều quyền lợi khác về sức khoẻ. Tin tưởng người hàng xóm này, anh N. mua cho bản thân gói 15 năm từ năm 2013 và mua cho con gái vào năm 2021.
Sau khi xảy ra vụ việc của diễn viên Ngọc Lan, anh N. vội vã lấy hợp đồng ra xem và lên Manulife làm việc thì tá hoả khi nhận lại câu trả lời “hai năm rút ra mất 100% tiền” từ nhân viên tại quầy đối với hợp đồng của con gái anh.
“Còn hợp đồng của anh đã đóng 10 năm rồi, mỗi năm khoảng 7 triệu đồng là 70 triệu đồng. Bây giờ nếu anh rút ra thì chỉ nhận lại được gần 29 triệu đồng. Nếu anh tiếp tục đóng tiếp đến hạn 15 năm, tổng số tiền đóng vào là 105 triệu đồng và rút ra chỉ gần 70 triệu đồng”, anh N. lấy ra bảng quyền lợi được xuất ra vào năm 2013, lý giải.
Theo anh N., hiện gia đình đã mua khoảng 10 hợp đồng Manulife, tất cả đều tương tự hai hợp đồng này. Và những hợp đồng mới mua từ 1-3 năm, nếu rút ra sẽ mất sạch 100% tiền đã đóng.
Cũng như anh Đ. (nhân vật đầu bài viết, bị yêu cầu giấy uỷ quyền), lần lượt những người đến làm việc với Manulife đều ra về mà chưa hết thắc mắc trong lòng. Chiều cùng ngày, anh Đ. quay lại với đầy đủ giấy tờ liên quan để làm việc. Từ đây, những mập mờ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife dần được sáng tỏ (còn nữa).
Hiện nay, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh với nhiều "ông lớn", như: Manulife, Prudential, FWD, Dai-ichi Life, AIA, AAA, Bảo Việt, Bảo Minh... Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 245.877 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 67.608 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 178.269 tỷ đồng. Cùng năm, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng trên 64.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng. Những con số này đều tăng cao so với năm 2021, thể hiện khả năng hút tiền trong túi người dân của các công ty bảo hiểm, bất chấp kinh tế đang khó khăn sau đại dịch. |