Lực lượng QLTT tổ chức tuyên tuyền, ký cam kết không tăng giá khẩu trang, nước sát khuẩn bất hợp lý trong mùa dịch Covid-19
Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức hằng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; giữ ổn định và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước, nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các kết quả đạt được trong thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền của người tiêu dùng Việt Nam thời gian qua là rất lớn. Các ngành chức năng như quản lý thị trường, Công an bắt giữ, ngăn chặn hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm độc hại; các tổ chức, đoàn thể vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động…
Tuy nhiên trên thực tế, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Các ngành chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền, đấu tranh chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng chưa thể hết được.
Quyền của người tiêu dùng đã được pháp luật đảm bảo đầy đủ, rõ ràng và cụ thể từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào quyền của người tiêu dùng được các doanh nghiệp thực thi đúng quy định. Việc “lạm dụng từ ngữ” để quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ vẫn còn xảy ra ở nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Không khó để tìm kiếm trên thị trường những sản phẩm hàng hóa tự gán những dòng chữ “chất lượng hàng đầu” hay “sản phẩm số 1” lên nhãn hàng hóa, mặc dù không có tổ chức nào công nhận.
Đặc biệt đối với một số sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (healthy food) với những lời quảng cáo “có cánh”, có tác dụng thần kỳ như giảm cân, đẹp da, bổ sung vi chất dinh dưỡng và có khả năng chữa khỏi một số bệnh làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. Thậm chí có cả sản phẩm hoàn toàn xa lạ với y văn thế giới, chưa được khoa học công nhận như vòng đeo tay diệt virus, vòng đeo làm tan mỡ bụng v.v…
Bên cạnh đó quyền của người tiêu dùng về bảo hành hàng hóa cũng được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định. Mặc dù vậy trong thực tế trừ một số loại hàng hóa đặc biệt như ôtô, xe máy và một vài sản phẩm hàng hóa điện tử viễn thông được doanh nghiệp bán hàng quan tâm thực hiện, phần còn lại hầu như đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng, vì hiện nay loại hàng hóa nào phải bắt buộc bảo hành vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể.
Hiện trường vụ làm giả quần áo bảo hộ phòng dịch Covid-19 tại Công ty Đức Anh (số 5, ngõ 178 Tây Sơn, quận Đống Đa) bị QLTT Hà Nội bắt giữ hồi tháng 4/2020
Nên chăng cần sớm ban hành quy định danh mục hàng hóa bắt buộc bảo hành, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có chế tài đủ mạnh đối với doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt, trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới. Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng.
Và cộng đồng hãy là những người tiêu dùng thông minh, nói không với hàng hóa vi phạm đặc biệt là giả mạo nhãn hiệu. Khi mua hàng hóa yêu cầu bên bán hàng cung cấp hóa đơn; cam kết thu hồi, bồi thường trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật. Đối với loại hàng hóa có bảo hành yêu cầu bên bán hàng thực hiện đầy đủ quy định về bảo hành hàng hóa, như: điều kiện bảo hành, thời hạn bảo hành, địa điểm bào hành và thủ tục bảo hành.
Hưởng ứng này Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 là “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 08/3 đã có thư ngỏ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2021 trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Thư ngỏ kêu gọi và trân trọng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chung tay thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với các hoạt động cụ thể như sau:
Chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 8674/KH-BCT một cách thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm và đặc biệt hạn chế các hoạt động có thể dẫn đến tập trung đông người. Ưu tiên thực hiện các hoạt động trên môi trường trực tuyến, như các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, diễn đàn, báo điện tử…;
Nghiên cứu và áp dụng các công cụ, hình thức kinh doanh phù hợp để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng an toàn và thuận lợi, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, từng bước khôi phục lại các hoạt động như trước khi bùng phát dịch bệnh;
Kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như quảng cáo sai sự thật, cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng,… đặc biệt là hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, trục lợi, bán giá cao, thu lời bất chính;
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng trên cơ sở tuân thủ các khuyến cáo, yêu cầu về y tế của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19;