Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi vô cùng to lớn mà công nghệ đem lại, vẫn có những nỗi lo cần giải đáp để thanh toán không dùng tiền mặt thực sự là “bạn của mọi nhà.”
Thanh toán không tiền mặt đang là xu hướng
Từ cuối năm 2016, khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, loại hình thanh toán này đã bắt đầu được sử dụng nhiều hơn. Đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, thanh toán điện tử đã thực sự “bùng nổ”, mang lại sự nhanh gọn và tiện lợi cho các giao dịch tài chính, thương mại của cả cá nhân và DN.
Khách hàng quét mã QR thanh toán tiền hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Với định hướng của Chính phủ, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang ghi nhận những thay đổi tích cực khi các phương thức thanh toán mới phủ sóng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Từ các trung tâm mua sắm, cửa hàng, quán ăn, tới các tiệm nhỏ, chợ truyền thống đều áp dụng các phương thức thanh toán điện tử. Người dùng có thể dễ dàng sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, chuyển khoản, quét mã QR... để thanh toán nhanh chóng, an toàn mà không cần mang theo tiền mặt.
Trong một nghiên cứu về “Thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2022” của Visa cho thấy việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, 89% người tiêu dùng sử dụng Ví điện tử, 85% ưa chuộng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chủ yếu cho thanh toán trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc. Ngoài ra, khảo sát của tổ chức này về Ý định Du lịch Toàn cầu được công bố hồi cuối tháng 11 cho thấy, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ 31% khách du lịch mang theo tiền mặt khi đi du lịch vào năm 2023, giảm từ mức 79% vào năm 2020.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội, trong 8 tháng năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 6,85 tỷ giao dịch với giá trị đạt 138,3 triệu tỷ đồng (tăng 348,54% về số lượng và 69,84% về giá trị); thanh toán tiền mặt và thanh toán thẻ đã có mặt trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hàng ngày.
Trong số này, giao dịch qua kênh internet đạt 1,33 tỷ giao dịch với giá trị đạt 36,76 triệu tỷ đồng (tăng 372,91% về số lượng và 110,97% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt 4,76 tỷ giao dịch với giá trị đạt 34,48 triệu tỷ đồng (tăng 598,27% về số lượng và 382,22% về giá trị) và qua phương thức QR code đạt 86,50 triệu giao dịch với giá trị đạt 47,26 nghìn tỷ đồng (tăng 871,82% về số lượng và 761,93% về giá trị). Ngoài ra, đến cuối tháng 9/2023, toàn thị trường có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động.
Cần có giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Lợi ích của thanh toán không tiền mặt là rất rõ và các con số ấn tượng nói trên đã phản ánh loại hình thanh toán này đã thực sự thâm nhập ngày càng sâu, rộng vào đời sống của người dân. Thêm vào đó, việc sóng di động 4G đã phủ sóng toàn quốc, số lượng người sử dụng điện thoại di động thông minh (smartphone) ở Việt Nam liên tục tăng cao (Theo thông tin từ Bộ TT&TT, tính tới tháng 5/2023, Việt Nam có tới 101 triệu thuê bao sử dụng smartphone, tăng 8,72% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với mức tăng 8,1 triệu thuê bao) đã khiến thanh toán không dùng tiền mặt liên tục phát triển. Thực tế, không chỉ ở các thành phố lớn, giờ đây, khi về các vùng nông thôn, người bán cũng dễ dàng chấp nhận thanh toán qua hình thức chuyển khoản, thậm chí số tiền giao dịch chỉ là cốc trà đá, mớ rau, con cá... Chỉ cần bật điện thoại, mọi giao dịch có thể thực hiện trong vài cú click, vô cùng thuận lợi.
Mặc dù thanh toán không sử dụng tiền mặt là điểm mạnh trong thời đại công nghệ hiện nay nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra các sản phẩm thẻ tiện lợi, an toàn và có lợi ích kinh tế cho người dùng, đồng thời yêu cầu các ngân hàng lắng nghe phản hồi của khách hàng. Đối với ngân hàng, việc lắng nghe phản hồi giúp nắm bắt nhanh chóng các thay đổi trong nhu cầu của thị trường. Còn đối với người dùng, việc có cơ hội góp ý mang lại sự cảm giác được quan tâm và tôn trọng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tung các “chiêu” thức nhằm thu hút khách hàng khi cho phép họ sử dụng số điện thoại của mình để đăng ký tố tài khoản, giúp người dùng không phải nhớ cả dãy số dài khi để cho người khác chuyển khoản. Hơn thế, cách ngân hàng cho phép người dùng tạo mã QR, quét mã QR ngay trên ứng dụng cũng giúp họ dễ dàng hơn trong sử dụng. Với sự đầu tư nghiêm túc về hệ thống công nghệ, việc chuyển và nhận tiền giữa các ngân hàng đã diễn ra gần như như cùng lúc, phí giao dịch về mức 0 đồng... đã tạo sự yên tâm, thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng.
Từ những dẫn chứng trên cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mở ra cơ hội mới cho người dùng và DN. Điều quan trọng hiện nay là tiếp tục tối ưu hóa chi phí và lắng nghe phản hồi để nâng cao trải nghiệm thanh toán cho khách hàng.
Nhằm thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử. Từ ngày 1/9/2023, các ngân hàng cũng được phép cho vay điện tử tối đa 100 triệu đồng để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. |