Theo VTC, Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn đà lây lan của COVID-19 và đang có những kết quả cụ thể, tuy nhiên hàng loạt nhà máy vẫn bị đóng cửa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất của Apple cũng như nhiều doanh nghiệp khác.
Việc chuyển sản xuất một phần dây chuyền sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam được thực hiện theo yêu cầu của Apple. Ảnh: iPhonehacks
Hiện hơn một nửa nhà cung cấp là đối tác chính của Apple xung quanh Thượng Hải - thành phố đang trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt - bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số này có những đơn vị phụ trách hoạt động sản xuất iPad khiến hãng phải có giải pháp nhằm bù đắp.
Trước tình hình trên, báo cáo từ Nikkei Asia khẳng định Apple quyết định chuyển một số dây chuyền sản xuất máy tính bảng iPad ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam. Đây được xem là lần đầu tiên Apple thực hiện điều này. Dù trước đó, vào khoảng năm 2020, Apple từng yêu cầu Foxconn - công ty chính chuyên gia công, lắp ráp sản phẩm của Apple - chuyển hoạt động sản xuất iPad, MacBook Pro từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài việc chuyển dây chuyền sản xuất iPad đến Việt Nam, Apple được cho là đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho các sản phẩm của mình, đặc biệt là các linh kiện được sản xuất quanh Thượng Hải (Trung Quốc). Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tích lũy linh kiện, với mục tiêu đảm bảo không bị thiếu hụt trong vài tháng tới. Các yêu cầu này áp dụng cho toàn bộ các sản phẩm của hãng, bao gồm iPhone, iPad, AirPods và MacBook.
Trước đó, nhà phân tích Ming-Chi Kuo từ TF International Securities cho biết mẫu tai nghe không dây AirPods Pro thế hệ 2 sẽ được sản xuất đại trà tại Việt Nam từ nửa cuối năm nay, nguyên nhân cũng do chính sách phong tỏa tại Trung Quốc khiến dây chuyền sản xuất gián đoạn trong nhiều tuần.
Để bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi gián đoạn, Apple yêu cầu đối tác tăng sản lượng các linh kiện như bảng mạch, thành phần cơ học và điện tử. Những linh kiện trên phần lớn sản xuất tại Thượng Hải, thành phố chịu ảnh hưởng bởi quy định phong tỏa của chính quyền địa phương.
Apple cũng đề nghị nhà cung ứng đảm bảo nguồn cung một số loại chip, bao gồm mạch điều khiển năng lượng cho các mẫu iPhone 14. Trong khi đó, những nhà máy ngoài vùng phong tỏa được yêu cầu tăng cường sản xuất, dự trữ linh kiện dành cho các thiết bị quan trọng như iPhone, iPad, AirPods và MacBook. Lượng linh kiện đủ để bù đắp sản lượng thiếu hụt tại nhà máy ở các vùng nguy cơ cao.
"Ví dụ, nhà cung ứng linh kiện X chiếm 40% tỷ lệ linh kiện của Apple tại tỉnh Giang Tô, khu vực có nguy cơ đứt chuỗi cung ứng cao. Trong khi đó, 60% còn lại dành cho nhà cung ứng Y tại thành phố khác.
Apple muốn công ty Y sản xuất thêm linh kiện bù cho 40% của công ty X trong những tháng tới, đề phòng trường hợp dây chuyền sản xuất tại Giang Tô phải ngừng hoạt động thêm lần nữa", một nguồn tin thân cận cho biết.