Thứ 5, 21/11/2024, 18:52 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam
(Tieudung.vn) - Hiện nay, cả nước có 96 cơ sở sản xuất kinh, doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với công suất hơn 300.000 tấn/năm và sản xuất được 30 dạng thuốc nhưng chủ yếu là phối trộn, sang chai đóng gói.

Phát biểu tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc BVTV tại Việt Nam" được tổ chức ngày 24/7 tại TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV, cho biết, hội nghị nhằm tăng cường trao đổi thông tin khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc BVTV với các doanh nghiệp trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và các doanh nghiệp Châu Âu, Hiệp hội CropLife Việt Nam thúc đẩy hợp tác phát triển sản xuất thuốc BVTV, Hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) và các doanh nghiệp trong nước.

Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

Cục BVTV tổ chức hội nghị nhằm thúc đẩy việc hợp tác về phát triển sản xuất thuốc BVTV giữa các đối tác trong ngành

Hội nghị nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục BVTV và Cơ quan quản lý hóa chất nông nghiệp Trung Quốc (ICAMA), với sự tham dự của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV trong và ngoài nước, các chuyên gia của Trung Quốc, của Hiệp hội CropLife Việt Nam và VIPA. Đây cũng là một trong những nỗ lực của Cục BVTV trong việc thúc đẩy hợp tác về phát triển sản xuất thuốc BVTV giữa các đối tác trong ngành BVTV.

“Đây là cơ hội rất tốt để các nhà quản lý, các doanh nghiệp trao đổi, hợp tác, hướng tới sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV chất lượng cao, ít độc hại, an toàn với con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường; từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững và có giá trị kinh tế cao”, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Cục BVTV, sản xuất thuốc BVTV ở Việt Nam là một trong những ngành sản xuất còn non trẻ và chỉ phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật được ban hành và có hiệu lực năm 2015.

Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt phát biểu khai mạc hội nghị

Theo ông Đạt, hiện cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất thuốc BVTV thỉ chỉ có một đơn vị liên doanh đã sản xuất dược một hoạt chất với công suất khoảng 50 tấn/năm và chỉ dùng cho tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu.còn hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV chủ yếu là phối trộn, sang chai, đóng gói,... Cũng theo ông Đạt, trong 96 cơ sở, có 89 cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật và 7 cơ sở sang chai, đóng gói. 

Bên cạnh đó, quy mô công suất của các cơ sở sản xuất hầu hết ở mức thấp; chủ yếu sản xuất các dạng thuốc, dung môi yêu cầu kỹ thuật đơn giản; chưa có cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học chuyên hóa và quy mô lớn. Việc các cơ sở sản xuất phân bố không đồng đều trong nước cũng làm gia tăng chi phí vận chuyển.  

Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật, trình bày tại hội nghị

Theo bà Bùi Thanh Hương, về định hướng phát triển thuốc BVTV trong thời gian tới, sẽ khuyến khích phát triển thuốc BVTV sinh học; tiếp tục rà soát, loại bỏ các hoạt chất, thuốc BVTV có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường. 

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truy xuất nhanh nguồn gốc thuốc; ứng dụng công nghệ sản xuất mới; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc sinh học; nâng cao chất lượng, sản xuất các thuốc an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường, các thuốc sinh học.

Tại hội nghị, các chuyên gia của Cơ quan Quản lý hóa chất nông nghiệp Trung Quốc (ICAMA), của Hiệp hội CropLife Việt Nam, Hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) đã bức tranh tổng quan về việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên toàn cầu cũng như một số mô hình cụ thể về quy trình phát hiện, phát triển, sản xuất, đăng ký và bảo đảm an toàn các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.

Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

Sản xuất thuốc BVTV tại Công ty CP SNew Rice, thành viên của Việt Trung Group.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch CropLife Việt Nam cho biết, hàng năm các công ty thành viên của Croplife luôn dành một khoản đầu tư đáng kể cho các hoạt động nghiên cứu phát triển để cập nhật và giới thiệu những giải pháp, sản phẩm thuốc BVTV tiên tiến, hiệu quả hơn, an toàn hơn và với giá thành hợp lý hơn. Trong đó, riêng chi phí đầu tư vào các hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển thuốc BVTV sinh học đã tăng từ 16 triệu USD lên 26 triệu USD, tức là tăng 62,5% so với mức của nghiên cứu trước đó.

Dẫn một phát hành đầu năm 2024, ông Bảo cho biết, kết quả khảo sát với 5 tập đoàn về thuốc BVTV hàng đầu thế giới cũng là những thành viên của CropLife cho thấy, để đưa một hoạt chất thuốc BVTV có tính mới, ít độc hại với môi trường và con người ra cần trung bình là trên 300 triệu USD và mất khoảng 12 năm. Bên cạnh đó, thời gian và chi phí dành cho các bước đánh giá an toàn và đăng ký chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng thời gian và chi phí để giới thiệu một hoạt chất bảo vệ thực vật mới.

“Việc đăng ký sản phẩm tiêu tốn khoảng 42 triệu USD, chiếm khoảng 13,9% tổng chi phí trong giai đoạn 2014 – 2019, cho thấy phần chi phí dành cho đăng ký luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí để đưa một sản phẩm thuốc BVTV mới ra thị trường theo suốt lịch sử của nghiên cứu này. Thêm vào đó, theo nghiên cứu trước ở giai đoạn 2010 – 2014, chi phí trung bình cho việc tổng hợp và lên công thức thuốc thuộc hoạt động R&D đã tăng khoảng 31,6% lên 64 triệu USD, làm cho công đoạn này trở thành công đoạn chiếm tỷ lệ đầu tư chi phí cao nhất trong giai đoạn R&D một sản phẩm thuốc BVTV mới. Tiếp theo đó là giai đoạn thử nghiệm đồng ruộng tăng 23,9%, ở mức khoảng 58 triệu USD. Những số liệu này đã cho thấy cam kết của CropLife và các thành viên trong việc không ngừng đổi mới để đưa ra thị trường những giải pháp tiên tiến, hiệu quả và phù hợp nhất, cũng như mức độ đầu tư của chúng tôi cho các hoạt động R&D trong lĩnh vực bảo vệ thực vật đang ngày một tăng lên”, ông Đặng Văn Bảo nhấn mạnh.

Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt (thứ 6 từ trái qua) và Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam Đặng Văn Bảo (thứ 6 từ phải qua) cùng các đại biểu, chuyên gia dự hội nghị

Đồng thời, số liệu này cũng cho thấy tầm quan trọng việc sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV một cách phù hợp, khoa học và trách nhiệm để tối ưu hoá hiệu lực của các sản phẩm đã được phê duyệt, hạn chế khả năng hình thành tính kháng từ đó kéo dài tuổi thọ cho vòng đời sản phẩm.

"Chúng tôi luôn ủng hộ một cơ chế chính sách khoa học, cởi mở hơn về quản lý và đăng ký các giải pháp BVTV, đặc biệt là các sản phẩm BVTV tiên tiến. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng ứng dụng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp của Chính phủ, tạo động lực cho quá trình nghiên cứu và phát triển của các công ty như các thành viên CropLife; quan trọng hơn, giúp rút ngắn thời gian các công nghệ mới tới tay bà con nông dân, thêm công cụ giúp họ phòng trừ và quản lý dịch hại một cách an toàn, hiệu quả", Chủ tịch CropLife chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch VIPA cho rằng, để thúc đẩy phát triển thuốc BVTV, cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và gia công thuốc BVTV hiện nay, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Phải có các nghiên cứu về thị trường và hiện trạng sản xuất kinh doanh thuốc BVTV sinh học tại để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách cũng như đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước.

Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

Nông dân phun thuốc BVTV trên đồng ruộng

“Về phía doanh nghiệp, phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ. Tự tăng cường nội lực, đẩy mạnh tự nghiên cứu, cải tiến gia công. Chủ động đầu tư trang thiết bị mới hiện đại phù hợp với các loại gia công như thiết bị gia công, thiết bị đánh giá chất lượng thành phẩm sau gia công. Tập trung phát triển các dạng sản phẩm mới có nhiều ưu điểm, chọn phụ gia, nhất là các phụ gia thân thiện môi trường. Cải tiến kỹ thuật và công nghệ, cải tiến quy trình, ông Sơn chia sẻ.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, giai đoạn 2020 - 2023, tổng lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình cả nước tiếp tục có xu hướng giảm dần: từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,21 kg/ha năm 2023.

Cục Bảo vệ thực vật mong muốn thông qua hội nghị lần này sẽ mở ra cơ hội cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV trong và ngoài nước trao đổi thông tin, chia sẻ , định hướng nghiên cứu, ứng dụng và phát triển sản xuất thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, ít độc hại, đặc biệt phát triển sản xuất các thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam với quy mô lớn; các cơ sở sản xuất làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại. Từ đó, góp phần pháp triển một nền nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, hướng đến giá trị nông sản cao, an toàn và bền vững.

Tags:
4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.05859 sec| 829.586 kb