Sử dụng thuốc BVTV sinh học là xu hướng thời đại
Tại hội nghị phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đã đánh giá những kết quả đã đạt được trong hai năm thực hiện chương trình phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021-2025, tổng hợp những những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV là rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Thúc đẩy ứng dụng thuốc BVTV sinh học là mục tiêu quan trọng trong xu thế phát triển nông nghiệp bền vững
Theo số liệu của Cục BVTV, thị trường thuốc BVTV sinh học vào năm 2019 của nước ta ước tính đạt giá trị 30,7 triệu USD và đến năm 2024 dự tính sẽ đạt 65,7 triệu USD, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm, dự báo thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ có thị phần tương đương với thuốc BVTV hóa học trong tương lai.
Tiến sĩ Lê Đăng Quang - Viện Kỹ thuật nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - VAST) cho biết, so với thế giới, việc nghiên cứu sản xuất thuốc BVTV sinh học ở nước ta mới chỉ được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, bằng các nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, đã có hàng chục đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Cơ sở ra đời. Từ đó, đã sản xuất được hàng chục loại chế phẩm thuốc BVTV sinh học có chất lượng không thua kém của các nước trong khu vực và quốc tế. Những kết quả nghiên cứu trên đã chứng tỏ các cơ quan khoa học công nghệ trong nước có đủ khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm thuốc BVTV sinh học, có thể tăng cường đầu tư để phát triển.
“Ngành BVTV ở nước ta cũng đang có mối quan hệ tốt với nhiều nước và các tổ chức quốc tế, có khả năng hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất các loại thuốc BVTV sinh học chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp” – ông Quang nói và nhấn mạnh, nước ta có khí hậu nhiệt đới, rất phù hợp cho các loại sinh vật có ích, là nguồn gen phong phú về sinh vật có ích (các loại vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, virus, cây có hoạt chất sinh học BVTV, các loại thiên địch của dịch hại như động vật bắt mồi)…Đây là nguồn nguyên liệu rất quý, giúp các cơ quan nghiên cứu có thể khai thác sử dụng, mang lại lợi ích lớn cho xã hội và môi trường.
“Sử dụng thuốc BVTV sinh học phù hợp và đáp ứng với xu hướng của thị trường trong nước và quốc tế về xuất khẩu nông sản và nhu cầu ngày càng cao đối với thực phẩm sạch, an toàn, không bị ô nhiễm bởi các chất độc hại trên đất canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và xây dựng mã số vùng trồng…,đặc biệt thuận lợi trong quản lý sinh vật gây hại tại những mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng – hiệu quả của chương trình Quản lý sức khoẻ cây trồng tồng hợp (IPHM) ở nước ta hiện nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên, ngành nông nghiệp cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn cả ở hai khâu sản xuất và sử dụng” – ông Quang nói thêm.
Theo đó, ông Quang nhấn mạnh, thời gian qua dù Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học, song thủ tục đăng ký các thuốc BVTV sinh học vẫn còn cồng kềnh, rườm rà và còn thiếu quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng cho các thuốc BVTV sinh học chuyên tính cao như: pheromone, thuốc bảo quản sau thu hoạch, chất bẫy bả mồi, chất phụ trợ…
Chưa kể, hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu phương pháp thử để xác định hàm lượng cụ thể đối với các loài vi sinh vật đặc thù, gây khó khăn trở ngại cho việc nhập khẩu, sản xuất và hợp quy các sản phẩm thuốc BVTV sinh học.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức trong nước thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất thuốc BVTV sinh học đã được quan tâm đầu tư hệ thống trang thiết bị. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư và duy trì còn hạn chế, còn dàn trải chưa tập trung, nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Đáng chú ý, phương pháp kiểm nghiệm đánh giá đối với các thuốc BVTV sinh học còn bị hạn chế về kỹ thuật. Do vậy, số cơ quan, doanh nghiệp có tiềm lực về trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất thuốc BVTV sinh học ở quy mô công nghiệp còn rất ít, chủ yếu chỉ là dây chuyền sản xuất ở quy mô pilot, thậm chí bán thủ công, sản xuất nhỏ, nên sản phẩm có giá thành cao, nông dân khó chấp nhận dẫn đến lợi nhuận thấp, không hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.
Thuốc BVTV sinh học muốn được sản xuất, lưu hành, phát huy hiệu quả trong ngành trồng trọt thì cần nhiều chính sách linh động từ Chính phủ để hỗ trợ người sản xuất và sử dụng
Kiến nghị gỡ khó cho sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, để thúc đẩy thuốc BVTV sinh học phát triển, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần xem xét giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với thuốc BVTV sinh học cũng như dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học.
Ðối với vấn đề sử dụng, cần có chính sách hỗ trợ giá cho nông dân trong việc sử dụng các thuốc BVTV sinh học từ 30% đến 40% như nhiều quốc gia hiện đang áp dụng. Trong đó, tập trung vào các cây trồng có giá trị kinh tế cao, yêu cầu điều kiện về an toàn thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Cùng với đó, sớm sửa đổi, bổ sung, cắt giảm các quy định, các điều kiện liên quan đến thuế sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV sinh học. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ vốn, cho thuê đất làm xưởng, miễn hoặc giảm thuế sản xuất, tiêu thụ cho thuốc BVTV sinh học. Cần tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký các loại thuốc BVTV sinh học và thuốc BVTV thế hệ mới an toàn với người và môi trường.
Ðồng thời, ưu tiên kinh phí tập trung cho các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học khả thi, cũng như hỗ trợ tìm đầu ra cho thuốc BVTV sinh học.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật để hạn chế tối đa tình trạng thuốc BVTV sinh học kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, tăng cường chuyển đổi số trong đầu tư nghiên cứu, sản xuất, đăng ký, sử dụng và huấn luyện tuyên truyền, nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng và quảng cáo tuyên truyền mở rộng phạm vi ứng dụng thuốc BVTV sinh học, phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững.
“Định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, như đến năm 2025 tăng số lượng thuốc sinh học đạt 30%, tăng số lượng sử dụng lên 20%. Để thực hiện theo kế hoạch này, Cục BVTV cần phối hợp với các viện trường, sở, chuyên gia tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc sinh học” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung |