Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, theo báo cáo tổng kết về điều tra sinh khối ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2018 và số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm ở nước ta năm 2020 là trên 156,8 triệu tấn.
Trong đó, có 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 39,4 triệu tấn (chiếm 26,2% và lớn nhất cả nước), trong đó 33,3 triệu tấn từ trồng trọt và 6,2 triệu tấn từ chăn nuôi. Tỉnh Kiên Giang có tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp lớn nhất với 5,7 triệu tấn, tiếp đến là An Giang (5,2 triệu tấn).
Ở ĐBSCL, phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch có khối lượng lớn, bao gồm: Rơm lúa (23,8 triệu tấn), xơ và sọ dừa (1 triệu tấn) và rau các loại (0,97 triệu tấn). Phụ phẩm từ quá trình chế biến của ngành trồng trọt có khối lượng lớn nhất là vỏ trấu (4,7 triệu tấn).
Hàng năm có hàng chục triệu tấn rơm sau thu hoạch lúa, không ít trong đó đốt tại ruộng. Ảnh: G.Lam
Về chăn nuôi, năm 2020, tổng đàn gia súc, gia cầm nước ta thải ra trên 61,4 triệu tấn phân và trên 55 triệu tấn nước tiểu. Ngoài ra, hằng năm có nhiều triệu tấn chất độn chuồng thải ra từ ngành chăn nuôi, tuy nhiên chưa có số liệu điều tra về nguồn phụ phẩm này.
Phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng là rất lớn nhưng việc sử dụng được đánh giá vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể như, đối với phụ phẩm trồng trọt, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 52,2% trên tổng lượng 88,9 triệu tấn; chăn nuôi có tỷ lệ thu gom là 75,1% trên tổng lượng 61,4 triệu tấn; lâm nghiệp có tỷ lệ thu gom 50,2% trên tổng lượng 5,5 triệu tấn…
Mặt khác, việc sử dụng phụ phẩm vẫn còn khá đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Như với rơm lúa, được sử dụng làm thức ăn thô cho gia súc; làm chất độn chuồng cho vật nuôi; phủ luống/gốc cây trồng. Phụ phẩm chăn nuôi ở hộ nông dân thì 48,5% ủ phân truyền thống, 11% cho khí sinh học, 31,8% bán nuôi trùn quế hoặc thải bỏ… Ở trang trại thì có 73,3% được sử dụng để bán làm phân hữu cơ và 26,7% dùng làm khí sinh học (biogas)…
Theo ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, tỷ lệ các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ ở mức khá thấp. Cụ thể, sử dụng 43% chất thải chăn nuôi; 33,2% chất thải chế biến thực vật; 17,9% phụ phẩm trồng trọt; 16,2% chất thải chế biến động vật, thủy sản…
Phụ phẩm thủy sản có thể thu về 4-5 tỷ USD/năm
Năm 2020, cả nước có tổng sản lượng thủy sản các loại đạt 8,41 triệu tấn; cung cấp cho ngành chế biến thủy sản khoảng 4,5-5 triệu tấn nguyên liệu. Ước tính, tổng nguyên liệu thủy sản các loại nhập khẩu về chế biến năm 2020 gần 1 triệu tấn.
Theo ước tính của các chuyên gia thủy sản, tổng phụ phẩm các loại từ ngành chế biến thủy sản khoản 1 triệu tấn, tương đương gần 10% tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước và nhập khẩu là 9,5 triệu tấn.
Chế biến thủy sản ở ĐBSCL. Ảnh: G.Lam
Tỷ lệ thu gom phụ phẩm thủy sản để xử lý, chế biến đạt gần 90%. Các hình thức xử lý, chế biến gồm: Tách chiết các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm như tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm, collagen và gelatin từ da cá tra… thường ở các nhà máy hiện đại đầu tư công nghệ cao; làm thức ăn cho chăn nuôi như bột protein, dầu cá, dịch protein thủy phân…; làm phân bón hữu cơ…
Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD năm 2020, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD.
Trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình công ty chế biến thủy sản đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm mang lại giá trị gia tăng cao.
Đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp đặc biệt là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho nuôi… có tiềm năng lớn, đặt nền móng cho kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản.
Giáo sư Nguyễn Quang Thạch cho rằng, phụ phẩm nông nghiệp là một tiềm năng, nhưng cần có đánh giá sâu hơn, toàn diện và cụ thể hơn... “Tuy nhiên, phải nói đây chính là ''vàng'' của nông nghiệp” – Giáo sư Thạch nói.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, lấy phụ phẩm làm nguyên liệu, nông dân sẽ giàu hơn, doanh nghiệp cũng giàu hơn… Không chỉ vậy, còn làm giảm phát thải khí nhà kính, làm nền nông nghiệp ''zero'' phát thải, ''zero’ cacbon''.. “Thật sự nó là nguyên liệu, tài liệu quốc tế có nơi người ta gọi rác là vàng, xưa nay chúng ta bỏ đi những thứ rất là quý” – Giáo sư Xuân cho hay.