Theo đó, ông Võ Văn Tiến hiện đang nuôi 120 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán giống phục vụ nhu cầu nuôi của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ông Tiến cho biết, năm 2013 tình cờ biết được mô hình nuôi chồn hương ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) có triển vọng nên mua 4 con chồn về nuôi “thử nghiệm”.
Nhờ học hỏi, tìm tòi và ứng dụng tốt các kỹ thuật nên đàn chồn hương của ông ngày càng sinh sôi, phát triển. Mỗi năm, một cá thể chồn cái sinh sản 2 lần, mỗi lần cho ra từ 3-4 con chồn con. Chồn hương là động vật hoang dã thuộc nhóm II, so với các vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu chế biến thức ăn đặc sản ở các quán ăn, nhà hàng. Vì thế, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi và đắt giá. Đến nay, ông Võ Văn Tiến đã bán ra gần 100 con chồn hương giống và hàng chục con chồn thịt.
Ông Võ Văn Tiến giàu lên nhờ nuôi chồn hương. |
Ở thời điểm này, giá mỗi cặp chồn giống giá khoảng 7 triệu đồng; riêng chồn thịt giá 1,5 triệu đồng/kg. Mỗi con chồn thịt có trọng lượng 5-7 kg, xuất chuồng bán được gần chục triệu đồng. Tuy giá luôn ở mức cao nhưng hiện nay trại chồn hương của người nông dân này không có đủ số lượng cung ứng cho khách hàng các nơi.
Theo ông Võ Văn Tiến chồn hương rất dễ nuôi, ăn tạp, ít bệnh, không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Trại chồng hương của ông nuôi trong lồng, theo kiểu công nghiệp; trung bình một ngày, mỗi con chồn chỉ mất khoảng 3-4 nghìn đồng mua thức ăn. So với các mô hình chăn nuôi trước đây mà người nông dân này đã trải qua như: nuôi lợn, gia cầm, dê… thì con chồn hương cho thu nhập cao hơn.
Thời gian qua, ông Tiến đã cung cấp giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông dân khác nhân rộng mô hình này. Hiện nay, gia súc, gia cầm đang bị dịch bệnh tấn công nên ông Võ Văn Tiến đang đầu tư chuồng trại để mở rộng quy mô, nhân rộng đàn chồn hương. Ông cho biết, ở các vùng đất khô cằn ven biển, những hộ gia đình ít đất sản xuất của vùng ĐBSCL đều có thể nuôi chồn hương, thị trường vật nuôi này đang hút hàng