Hai công ty thành viên của Lộc Trờ là Công ty Cổ phần Nông Sản Lộc Trời (Lộc Trời Agricuture Product JSC – LTA), Công ty Cổ phần Giống Cây Trồng Lộc Trời (Lộc Trời Seed JSC – LTS), qua đó Lộc Trời có thêm nguồn lực để mở rộng vùng nguyên liệu được tổ chức sản xuất theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt và nông dân liên kết được tặng hạt giống miễn phí.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Lộc Trời phát biểu tại buổi lễ
Công ty Cổ phần Nông Sản Lộc Trời (LTA) là khâu đầu và cũng là khâu cuối cực kỳ quan trọng trong quy trình khép kín từ hạt giống đến khi thu hoạch và vận chuyển đến hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết được phân bổ khắp Đồng bằng sông Cửu Long để sấy, xay xát, lưu kho, và giao hàng theo tiến độ hợp đồng đã ký. Với năng lực sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa, LTA đáp ứng được các đơn hàng số lượng lớn quanh năm, đặc biệt cho các thị thường xuất khẩu khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… thông qua quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt đạt các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, HALAL, HACCP và SMETA.
Công ty Cổ phần Giống Cây Trồng Lộc Trời (LTS), tiền thân là ngành Giống của tập đoàn, đã đóng góp gần 900 tỷ đồng vào doanh thu 2021, hiện sản xuất trên 80.000 tấn lúa giống các loại trên các vùng trồng được quản lý chặt chẽ và hợp tác với những nông dân giỏi nhất, phân phối trực tiếp qua hệ thống phân phối trên 300 đại lý phủ khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. LTS là đơn vị khai thác các giống lúa mà tập đoàn Lộc Trời sở hữu và được cấp quyền sản xuất và thương mại, bao gồm cả giống lúa Lộc Trời 28 – Quán quân Gạo thơm Thế giới năm 2018 và Giải nhất Gạo ngon Thương hiệu Việt vào tháng 01/2022. Qua LTS, giống lúa OM18 – gạo thơm chất lượng cao được trồng nhiều nhất Việt Nam và OM5451 – gạo trắng được xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam sẽ được cung cấp miễn phí cho các hợp tác xã liên kết sản xuất với Lộc Trời.
Đại diện các bên ký kết hợp tác phân phối lúa giống
Là đơn vị tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, Tập đoàn Lộc Trời đã từng bước tổ chức hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời bằng cách liên kết với các đơn vị trong chuỗi cung ứng nông sản trong và ngoài nước. Mở đầu cho năm 2022, Nông Sản Lộc Trời (LTA), thông qua hợp đồng cung ứng 2 triệu tấn lúa cho các đối tác trong nước và xuất khẩu, đã giúp hoàn thiện hệ sinh thái này, góp phần giải quyết “đầu ra” cho cây lúa, giảm thiểu việc “được mùa mất giá” cho bà con nông dân và giúp cho việc tổ chức mùa vụ được chủ động hơn.
Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho đơn hàng 2 triệu tấn lúa này, Tập đoàn Lộc Trời và LTA đã làm việc và thuyết phục các ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước như TPBank, HDBank, BIDV, VPBank, Mizuho, HSBC, May Bank… đồng tài trợ 12 ngàn tỉ đồng cho toàn bộ chuỗi sản xuất – cung ứng theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt, tăng tính minh bạch trong tất cả các khâu dẫn đến việc giảm thiểu đáng kể chi phí tài chính so với hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc như trước đây. Theo đó, khi tham gia các hợp tác xã liên kết với Lộc Trời, các hộ nông dân sẽ được đảm bảo cung cấp đầy đủ giống, vật tư nông nghiệp và dịch vụ cần thiết, không lo thiếu vốn sản xuất cũng như giảm đáng kể các rủi ro về biến động giá cả các loại vật tư nông nghiệp vốn đang tăng rất cao thời gian vừa qua. Trước mỗi vụ, LTA cam kết tiêu thụ toàn bộ sản lượng lúa trồng được để đảm bảo thu nhập ổn định cho các hộ nông dân, và tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Các sản phẩm lúa gạo chất lượng của Lộc Trời
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn, chia sẻ: “Hôm nay, Lộc Trời khai xuân Nhâm Dần và chính thức bước vào vận hội mới, với tinh thần nói được – làm được và các nguồn lực đã tích luỹ trong gần ba thập kỷ, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời. Đơn hàng 2 triệu tấn lúa và hợp đồng tài trợ 12 ngàn tỷ được ký kết hôm nay là minh chứng cho sự tin tưởng của các đối tác trong nước và quốc tế đối với mô hình kinh doanh “tổ chức sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng” của tập đoàn Lộc Trời nói chung và LTA, LTS nói riêng. Cùng với lòng tin này, chúng tôi có thêm động lực và quyết tâm liên kết với bà con nông dân thông qua hình thức hợp tác xã, đó là nền tảng để ứng dụng quy trình sản xuất khoa học, giảm lượng giống sử dụng, giảm phân, thuốc, quản lý tốt tài nguyên nước, từ đó giảm giá thành, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận, giảm phát thải nhà kính, giúp đảm bảo tín chỉ carbon cho Việt Nam, góp phần thực hiện lời hứa giảm phát thải nhà kính từ việc trồng lúa của Việt Nam với thế giới.”