Ngày 19/9 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn chế phẩm sinh học Bio-Canxi và phân bón chuyên dùng Đầu Trâu Bio - Lúa tại hộ ông Phạm Thanh Ca ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
Hàng trăm nông dân đến tham quan ruộng mô hình canh tác lúa thông minh tại hộ ông Phạm Thanh Ca ở xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
Ông Ca tham gia mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tích 3ha, chia ra làm 5 nghiệm thức sản xuất, mỗi ruộng nghiệm thức 5 công (5.000m2). Ruộng nghiệm thức 1 và 2 áp dụng máy sạ cụm (lượng giống 60kg/ha) và kết hợp bón phân vùi (lượng phân 210kg/ha). Ruộng nghiệm thức 3 và 4 áp dụng bón phân rải bằng tay (300kg/ha) và áp dụng máy sạ cụm với lượng giống 60kg/ha. Ruộng nghiệm thức 5 sạ lan bằng máy số lượng giống 100kg/ha, bón phân NPK tổng số với lượng 460kg/ha.
Theo ông Ca, mô hình canh tác lúa thông minh giúp giảm lượng lúa giống hơn 40%/ha nhờ ứng dụng máy sạ cụm của Công ty Sài Gòn Kim Hồng, giúp giảm 250kg phân bón NPK/ha và tiết kiệm chi phí thuê nhân công 3 lần bón phân là 120 ngàn đồng/ha so với sản xuất lúa theo tập quán thông thường. Ruộng trong mô hình canh tác lúa thông minh lúa cứng cây, sạch sâu bệnh, chống đổ ngã rất tốt trong mùa mưa... Mô hình canh tác này cũng giúp giảm phát thải khí nhà kính vừa bảo vệ môi trường cho cộng đồng và sức khỏe nông dân sản xuất lúa.
Đây là lần đầu tiên gia đình ông Ca (ảnh) tham gia mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện 3ha, được chia ra 5 nghiệm thức sản xuất.
Hiện nay, trà lúa vụ Hè Thu 2023 của gia đình ông Ca sản xuất giống lúa nếp Cô Tiên còn khoảng 1 tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Dự kiến năng suất đối với ruộng nghiệm thức 1 đạt 8,5 tấn/ha lúa tươi, ruộng nghiệm thức 2 đạt năng suất 9,4 tấn/ha, ruộng nghiệm thức 3 đạt năng suất 8,3 tấn/ha, ruộng nghiệm thức 4 đạt năng suất 8 tấn/ha và ruộng nghiệm thức 5 đạt năng suất 8,3 tấn/ha. Như vậy, ruộng áp dụng mô hình nghiệm thức 1, 2, 3, 4 lợi nhuận tăng thêm trên 3.840.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng sản xuất theo thông thường.
Ông Võ Quốc Trung, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết: Chương trình Canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL được triển khai từ năm 2016 đến nay. Chương trình có sự phối hợp giữa Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trên cơ sở chương trình này, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đã xây dựng những mô hình khuyến nông cụ thể để chuyển giao đến bà con nông dân.
Ruộng áp dụng mô hình cho lợi nhuận tăng thêm trên 3.840.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng sản xuất theo thông thường.
Trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng triển khai 2 mô hình canh tác lúa thông minh ở huyện Trần Đề và Thạnh Trị. Riêng mô hình tại huyện Thạnh Trị trình diễn chế phẩm sinh học Bio - Canxi và phân bón chuyên dùng Đầu Trâu Bio – Lúa nhằm giúp nông dân bổ sung vi sinh vật, cố định đạm, phân giải lân và phân giải xenlulo để thuận lợi áp dụng vùi phân bón hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, mô hình còn ứng dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất thông qua sạ cụm, sạ máy, vùi phân, giảm lượng giống gieo sạ, giảm 2 - 3 lần bón phân (tương đương giảm 25% lượng phân bón NPK các loại). Kết quả cho thấy, lúa mô hình phát triển khỏe, cải thiện về năng suất và giảm chi phí sản xuất, giúp nông dân gia tăng lợi nhuận, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải. Đây là mô hình đáp ứng được tiêu chí tham gia thực hiện Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...
Canh tác lúa thông minh giúp giảm lượng lúa giống hơn 40%/ha nhờ ứng dụng máy sạ cụm, từ đó giúp giảm 250kg phân bón.
Cũng theo ông Võ Quốc Trung, thời gian tới, mô hình canh tác lúa thông minh cần được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt ưu tiên cho 77 ngàn ha lúa mà tỉnh Sóc Trăng đăng ký tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL.
Vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng đã công nhận quy trình canh tác lúa tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã xây dựng và tiến hành nhiều hoạt động để nhân rộng mô hình. Tại ĐBSCL, Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp 13 tỉnh thành đã thực hiện tập huấn từ vụ hè thu và thu đông 2023 với số lượng dự kiến khoảng 5.000 lượt nông dân.
Thời gian tới, mô hình canh tác thông minh cần được nhân rộng ra ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các mô hình trình diễn tại 3 vùng sinh thái quan trọng gồm vùng thượng lưu, vùng trung lưu và vùng ven biển ĐBSCL trong vụ hè thu. Ngoài ứng dụng các giải pháp trong quy trình, chương trình sẽ phối hợp với Công ty Sài Gòn Kim Hồng để ứng dụng giảm lượng giống gieo sạ bằng máy sạ cụm và với Công ty Bayer Việt Nam để ứng dụng quy trình quản lý dịch hại theo Much More Rice.
Hiện nay, ngành nông nghiệp nước ta đang triển khai chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Có thể nói, các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật của chương trình canh tác lúa thông minh và các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy IPHM trong sản xuất.
Để mô hình canh tác thông minh ngày càng lan tỏa hơn, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, sẽ tập trung triển khai nhân rộng, đưa quy trình vào sản xuất lúa tại ĐBSCL và các vùng trong cả nước. |