Gần đây nhiều khách hàng dùng thẻ ATM phản ánh bị rút trong khi không thực hiện giao dịch khiến những người đang sử dụng dịch vụ này hoang mang.
"Bốc hơi" hàng trăm triệu qua máy ATM
Trường hợp mới đây nhất xảy ra với anh Nguyễn Minh D. Anh này cho biết đã dùng thẻ của Ngân hàng Sacombank để rút tiền tại một máy ATM. Trong lúc rút, do máy mất điện và thẻ ATM của anh bị nuốt vào trong, theo báo VnExpress.
Sử dụng thẻ ATM dù tiện lợi nhưng cần thận trọng. (Ảnh minh họa) |
Anh D cho biết, do chủ quan và nghĩ rằng thẻ bị giữ tại ngân hàng sẽ không sao nên anh không báo khóa thẻ. Thời điểm này số dư trong tài khoản của anh là 133 triệu đồng.
Vài tuần sau, anh cần chuyển khoản thì mới phát hiện mình bị mất 129 triệu đồng. Theo bản sao kê tài khoản, trong 7 ngày, từ 1-7/4, tài khoản của anh đã bị rút số tiền trên tại các máy ATM khác nhau.
Tương tự một trường hợp cũng không kém phần nghiêm trọng đó là số tài khoản gần 200 triệu đồng của một đôi vợ chồng tên N.S.T. bỗng dưng “bốc hơi” và chỉ bị phát hiện khi vợ chồng anh T. kiểm tra tiền trong tài khoản vào kỳ lương tháng 7-2016, thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Do không đăng ký dịch vụ thông báo qua tin nhắn, đến kỳ nhận lương hằng tháng vợ chồng anh mới đem thẻ đến trụ ATM kiểm tra sau đó đem về cất vào tủ khóa lại. Trong kỳ trả lương tháng 7, vợ chồng anh ra ATM kiểm tra mới tá hỏa phát hiện cả hai thẻ đều có số dư bằng 0.
Sự việc xảy ra đã được ngân hàng mà vợ chồng anh gửi tiền cho biết, tài khoản của anh T. có phát sinh 9 giao dịch rút tiền trên ATM với tổng số tiền là 74 triệu đồng. Còn tài khoản của vợ anh cũng thực hiện giao dịch rút tiền thường xuyên.
Theo Zing News, ngoài 2 trường hợp trên thì mới đây, chị Hoàng Thị Hồng H – chủ thẻ của Ngân hàng V. phản ánh việc thẻ ATM của chị đang ở Việt Trì (Phú Thọ) nhưng lại bị rút mất tiền ở tận… Sài Gòn với 10 lần giao dịch rút tiền nhưng thành công 9 lần, tổng số tiền bị rút là 18 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Tấn Th - chủ thẻ ATM của ngân hàng Đ. cũng phản ánh việc tài khoản đã bất ngờ bị rút liên tục trong vòng 2 phút với tổng số tiền 20 triệu đồng tại một cây ATM của Ngân hàng B tại Quận 3, TPHCM.
Theo khách hàng này, thẻ của anh vẫn ở trong ví vào thời điểm phát sinh giao dịch. Sau đó, Ngân hàng Đ. đã có văn bản trả lời nêu rõ: Vào thời điểm thực hiện 10 giao dịch nói trên, camera đã ghi được dữ liệu hình ảnh nhưng do đối tượng cố tình che camera nên không nhìn được rõ mặt người thực hiện giao dịch.
Nguyên tắc "vàng" bảo vệ tiền trong thẻ ATM
Tin tức trên báo Dân trí, trước tình hình tội phạm công nghệ thẻ ngày càng tinh vi, các chuyên gia ngành ngân hàng cho biết, khách hàng luôn phải bảo vệ thẻ, phải tuyệt đối bảo mật thông tin thẻ, liên tục cập nhật và đăng ký sử dụng các tiện ích do ngân hàng trang bị để bảo vệ an toàn cho chính mình.
Cũng theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn đối với tài khoản tiền gửi và thẻ tín dụng. Khi giao dịch tại trụ ATM cần dùng tay che số PIN khi nhập trên bàn phím, nhìn kỹ bên trong miếng che bàn phím để phát hiện có thiết bị lạ nào được gắn bên trong hay không.
Rút tiền bằng thẻ ATM cần cảnh giác cao độ và nên che khi bấm mã PIN. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, cần đọc các cảnh báo của ngân hàng tại trụ ATM để cảnh giác khi giao dịch và thỉnh thoảng nên đổi mã PIN. Trường hợp nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin sau khi giao dịch nên đề nghị ngân hàng đổi thẻ ngay.
Chủ thẻ phải cẩn thận, cần luôn giữ thẻ bên người, không đặt mật mã bằng các thông tin dễ có sẵn trong ví như ngày sinh, số CMND, biển số xe… để tránh tình trạng khi mất ví, thẻ sẽ bị kẻ gian lợi dụng.
Nguyên tắc tiếp theo đó là không được quên kiểm đếm lại tiền để tránh trường hợp máy trả thiếu tiền, máy nuốt tiền, kiểm tra xem đã lấy lại thẻ chưa trước khi rời khỏi cây ATM. Khi đi rút tiền, nên chờ thông báo kết quả giao dịch trên màn hình ATM và chỉ rời đi khi màn hình ATM trở lại trạng thái bình thường.
Nếu thường xuyên sử dụng dịch vụ này cần cảnh giác vì thủ đoạn ăn cắp thông tin thẻ qua lây virus là rất phổ biến. Để hạn chế rủi ro này, chủ thẻ phải sử dụng phần mềm phòng chống virus trên máy tính, điện thoại. Nếu muốn vào các cổng thanh toán trực tuyến, khách hàng phải gõ địa chỉ trực tiếp vào trình duyệt, không nên bấm vào đường link được gửi qua email vì đường link có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thực tế. Đồng thời, chủ thẻ chỉ thanh toán online ở những website uy tín, không nên thanh toán ATM ở những website ít đảm bảo về độ bảo mật và an toàn của giao dịch.
Theo VietQ