Có rất nhiều cách để bạn tiết kiệm tiền, chẳng hạn như mua một cuộn giấy vệ sinh. Chắc chắn bạn có thể chọn những phương án rẻ hơn để tiết kiệm như mua tại cửa hàng bán lẻ không thương hiệu hoặc chất lượng giấy rẻ tiền… Một số người chọn mua với số lượng lớn để được chiết khấu rẻ hơn. Hoặc một số người thì đợi đến khi có giảm giá lớn để mua tích trữ sẵn và dùng dần.
Tuy nhiên, một nghiên cứu do các Giáo sư Đại học Michigan tiến hành gần đây cho thấy, người nghèo thường không chọn 2 phương án sau bởi họ không có đủ tiền để mua hàng tích trữ số lượng lớn.
Nghiên cứu được tiến hành trên 100.000 hộ gia đình ở Mỹ trong 7 năm, các tác giả đã ghi chép nhật ký lịch trình mua giấy vệ sinh của các gia đình này. Giấy vệ sinh được coi là mặt hàng tiêu dùng phổ biến mà các gia đình không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, người nghèo không có đủ khả năng tài chính để mua hàng với số lượng lớn được chiết khấu hoặc hàng giảm giá về dùng dần, do đó họ phải trả chi phí cao hơn 5,9% cho mỗi cuộn giấy vệ sinh. Bên cạnh đó, do mua những thương hiệu giấy rẻ tiền nên chất lượng giấy tồi, dễ hư hỏng và dùng… tốn hơn giấy xịn.
Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng một lần nữa khẳng định thêm luận điểm về thói quen chi tiêu của người nghèo: Mua hàng rẻ sẽ phải trả giá đắt hơn.
Ở chiều ngược lại, từ góc độ của người giàu, có nhiều tiền sẽ giúp họ mua đồ xịn nhưng lại tiết kiệm hơn.
Không chỉ giấy vệ sinh, mà bất cứ mặt hàng dự trữ có thể mua với số lượng lớn khác như cà chua đóng hộp, gạo hay mì, người giàu thường chọn mua hàng xịn với số lượng lớn để tiết kiệm về sau. Còn người nghèo, vì không đủ khả năng về tài chính nên không thể mua số lượng lớn ngay lập tức. Chẳng hạn, thay vì trả 24 USD cho 30 bịch giấy vệ sinh, người nghèo chọn trả 5 USD cho 4 bịch giấy.
Sau đó, cũng vì không có dự trữ nên khi dùng hết, người nghèo không thể chờ đợi đến lần giảm giá tiếp theo để mua hàng. Khi dùng hết giấy vệ sinh đã mua từ lần trước, họ phải chạy ra cửa hàng để mua bổ sung ngay, dù tại thời điểm đó giá của chúng vừa tăng lên rất nhiều.
Tất cả là bởi vì người nghèo chưa biết dùng chiến lược tiết kiệm, hay còn gọi là học thuyết “giấy vệ sinh” dưới đây!
“Bất cứ ai cũng có thể rơi vào bẫy nghèo xung quanh học thuyết giấy vệ sinh mà chúng tôi nghiên cứu. Tầng lớp khá giả sẽ lựa chọn khác với người nghèo. Họ mua khi giá cả hợp lý và sẵn sàng chờ đợi khi thấy giá tăng quá cao. Nhưng người nghèo thì không thể làm vậy vì họ không có đồ dự trữ” – Giáo sư Orhun, tác giả nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Vấn đề ở đây không đơn giản là người nghèo không hiểu biết về kinh doanh hay mua hàng số lượng lớn. Người nghèo vẫn dùng chiến lược khi mua hàng để có thể tiết kiệm tiền khi họ có nhiều tiền mặt trong tay. Tuy nhiên, lúc đó họ lại hành xử như thể đang thừa tiền.
Người nghèo cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tiết kiệm. Họ không có đủ khả năng để đến siêu thị lớn mua những món đồ rẻ hơn. Chẳng hạn họ không có một chiếc ô tô để chở 30 cuộn giấy vệ sinh từ siêu thị về nhà. Hay đơn giản, căn nhà của họ không đủ diện tích để chứa 30 cuộn giấy vệ sinh dự trữ cùng một lúc.
Trong cuộc sống, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để tiết kiệm tiền bạc, chỉ cần bạn có đủ tiền để tận dụng cơ hội đó. Nếu bạn có thể mua thẻ thành viên Costco, bạn có thể mua hàng chục kilogram súp cà chua đóng hộp với giá rất rẻ. Nếu bạn có thẻ thành viên Amazon, bạn có thế tiết kiệm hàng trăm USD khi mua bỉm tã trực tuyến với số lượng lớn…
“Tôi từng đề cập đến vấn đề chi tiêu ở các nước đang phát triển – nơi thuốc lá được bán theo gói và xà phòng được chiết xuất vào từng túi nhỏ li ti - lúc đó hầu hết mọi người đều nói rằng chỉ có ở Bangladesh mới vậy. Nhưng trên thực tế, ngay cả ở Mỹ cũng không mấy khác biệt nếu bạn biết rằng có những hộ gia đình đang chi tiêu chưa đến 20.000 USD mỗi năm”, Orhun cho biết.
Theo vị chuyên gia này, người nghèo nên xem xét lại cách tiết kiệm tiền bằng việc đưa ra những quyết định tài chính thông minh hơn, thay vì cứ mua hàng với giá rẻ tại một thời điểm và tốn tiền hơn về sau này.