Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 3/2023 Việt Nam xuất khẩu 35.913 tấn hồ tiêu, tăng 27,5% so với tháng trước. Tính đến hết quý I, xuất khẩu hồ tiêu của cả nước đạt 76.727 tấn, với tổng kim ngạch 235,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 40,5%, tuy nhiên kim ngạch giảm 7,3%.
Mặc dù xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhưng giá mặt hàng này lại đang thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.064 USD/tấn, giảm 34,3% so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 3, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 2.978 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng trước và giảm 36,7% so với tháng 3/2022.
Ảnh minh họa. Ảnh: Kim Thành
Riêng với Trung Quốc, lượng hàng bán được trong tháng 3 đạt 15.710 tấn, tăng 85,2% so với tháng 2 và là mức cao nhất từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục xuất khẩu cao nhất thiết lập hồi tháng 4/2020 đạt 11.953 tấn.
Tính đến hết quý I năm nay, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc đạt 25.919 tấn, tăng hơn 12 lần so với 2.138 tấn của cùng kỳ và vượt xa con số 20.498 tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm 2022.
Theo VPA, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biết có thể hiểu là do thị trường mua bù cho lượng hàng thiếu hụt sau 3 năm đóng cửa vì Covid-19.
Với kết quả này, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong quý I với tỷ trọng chiếm 33,8% so với 3,9% của cùng kỳ.
Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi chính sách Zero Covid nên lượng tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2022 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Tình hình chỉ được cải thiện kể từ đầu năm nay sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại. Được biết, tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch.
Trái ngược với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tiêu sang Mỹ giảm 15,4%, Đức giảm 46,6%, Hà Lan giảm 32,1%, Ấn Độ giảm 20,2%... Nguyên nhân có thể do khủng hoảng kinh tế nên các thị trường hạn chế mua hàng.
Mặc dù vậy, một số thị trường khác ghi nhận xuất khẩu tăng như Iran tăng 461%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 331,3%; Ai Cập tăng 218,4%; Senegal tăng 148,8%…
Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPA, theo thông lệ, trong quý I, các doanh nghiệp sẽ lo trả nợ đơn hàng đã ký trong quý IV của năm ngoái và đồng thời ký tiếp các hợp đồng mới. Những hợp đồng này buộc phải giao trong quý II trở đi.
Nhưng yếu tố đang lo nhất thời điểm hiện tại chính là tác động của suy thoái kinh tế lên nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu. "Môi trường kinh doanh năm 2023 được cho là không thuận lợi khi nền kinh tế đi xuống và căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, những biến động tại ngân hàng SVB hay Credit Suise thời gian quan đã ảnh hưởng dây chuyền hệ thống thanh toán quốc tế và khả năng tài chính, tín dụng của các công ty mua hàng", bà Liên cho biết.
Suy thoái kinh tế có thể khiến người tiêu dùng trên thế giới thắt chặt chi tiêu, giảm ăn hàng kéo theo lượng tiêu thụ tiêu cũng sẽ giảm theo.
Mặc dù vậy, đại diện của VPA cho rằng về dài hạn, giá tiêu có thể tăng. Chu kỳ biến động của giá tiêu mất khoảng 7 - 10 năm. Chu kỳ giảm giá của cây tiêu Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2016 đến nay là 7 năm và sẽ sớm có sự điều chỉnh lên trở lại.
Ngoài ra, bà Liên cho biết thêm năm nay nhiều diện tích trồng tiêu cũng chuyển sang mục đích trồng các cây khác nên tổng diện tích tiêu cũng bị thu hẹp.