Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 552.613 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, giảm 5% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu đang có xu hướng tăng lên. Trong tháng 3 giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 2.293 USD/tấn, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung qúy I năm nay giá xuất khẩu cà phê đạt bình quân 2.222 USD/tấn, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cà phê tháng 3 tăng cả về lượng và giá trị. Ảnh: Phạm Lộc
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chánh văn phòng Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mua hàng.
Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua.
Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ giá thất thường.
“Nguồn tài chính của các doanh nghiệp năm nay không dồi dào như mọi năm dẫn đến tồn kho hàng hoá ở mức thấp. Trong khi đó, giá nội địa hiện vẫn ổn định ở mức cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký hợp đồng giao xa do sợ không cân đối được với giá nội địa và giá xuất khẩu”, ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với lợi thế về nguồn tiền dồi dào nên đã gom hàng từ trước đợi khi nào doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng thì bán ra. Hiện tượng này cũng đã xảy ra ở niên vụ 2021 - 2022.
“Nếu như niên vụ 2021 - 2022, tình trạng thiếu hàng chỉ xảy ra ở trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 thì niên vụ năm nay (2022 - 2023), tình trạng này xảy ra ngay từ 2 tháng đầu năm. Do đó, các doanh nghiệp không ký hợp đồng nhiều. Các doanh nghiệp FDI có nguồn tài chính dồi dào đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam”, ông Hiền cho biết.
Trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 808 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,7% lên 419,8 triệu USD.
Tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam theo đó tăng lên mức 34% từ 31% của cùng kỳ; trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp từ 69% xuống còn 66%.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về thị phần cà phê xuất khẩu với 20,1% thị phần toàn thế giới (giai đoạn 2021 - 2022). Việt Nam đứng đầu về năng suất cà phê, đạt 2,4 tấn/ha.
Năm 2022, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 1,72 triệu tấn, giá trị đạt 4 tỷ USD và nằm trong nhóm nông sản chủ lực có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Thương hiệu cà phê Việt Nam ngày càng vang xa, liên tục được vinh danh và khen ngợi trên hàng loạt báo chí quốc tế uy tín. Mới đây, chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Alas đã xếp hạng Cà phê sữa đá Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng trong Top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới. Năm 2022, Tạp chí du lịch Canada The Travel đã nêu những quốc gia có cà phê ngon nhất thế giới, trong đó cà phê Việt Nam được nhắc đến đầu tiên. Cà phê Robusta Việt Nam cũng được những tổ chức uy tín như Rainforest Alliance, UTZ và Fairtrade… chứng nhận đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.