Ngày 26-3, trao đổi với cơ quan báo chí, bà Nguyễn Bạch Mai (ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã gửi đơn khiếu nại lần 2 đến Ngân hàng (NH) TMCP Quốc Dân (NCB) để khiếu nại về việc bỗng dưng mất gần 9 tỉ đồng trong tài khoản sau một thời gian gửi tiết kiệm tại NH này.
Theo đó, từ năm 2012 đến ngày 6-1-2016, bà Mai đã gửi vào NCB chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch số 14 tổng cộng cả gốc và lãi hơn 8,7 tỉ đồng.
Ban đầu khoản tiền này bà gửi dưới dạng mở sổ tiết kiệm. Đến năm 2014, bà Mai được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng giao dịch tư vấn chuyển khoản tiền sang bảo lãnh NH lãi suất cao 13%/năm, dành cho những khách hàng có số tiền gửi lớn, khách hàng VIP.
Giao dịch tại NH Quốc Dân. Ảnh minh họa
“Bà Hà thuyết phục và khẳng định tiền vẫn nằm trong NH, khi nào cần rút sẽ được giải quyết hết, chỉ thay sổ tiết kiệm bằng chứng từ nên tôi đồng ý. Bà Hà đề nghị tôi ký các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm để chuyển sang dạng chứng từ của NH. Hàng tháng, phòng giao dịch vẫn chuyển cho tôi chứng từ gồm bảng kê tiền gửi và tính lãi hàng tháng của NCB có chữ ký của trưởng phòng giao dịch, đóng dấu NH nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào các thủ tục này” - bà Mai cho biết.
Đến giữa năm 2016, khi gia đình cần tiền, bà Mai nhiều lần liên lạc với bà Hà để thông báo rút tiền nhưng chỉ nhận được lời hứa. Đến tháng 1-2017, bà Mai đến phòng giao dịch của NCB làm thủ tục rút tiền mới tá hỏa khi biết số tiền gửi của mình đã bị rút hết.
“Chứng từ của NH có chữ ký của trưởng phòng giao dịch, đóng dấu đỏ NCB tôi vẫn đang giữ và tôi chưa hề đến NH ký nhận tiền thì sao người khác có thể lấy tiền của tôi được. Thời điểm tôi gửi tiền, bà Hà là trưởng phòng giao dịch đại diện cho NH nên NCB không thể chối bỏ trách nhiệm, tôi gửi tiền vào NH chứ không phải gửi tiền cho bà Hà. Nếu có người khác nhận tiền thay tôi phải có ủy quyền bằng văn bản, thủ quỹ giao tiền trực tiếp cho ai và hệ thống camera an ninh của NH có thể ghi lại hình ảnh việc tôi có đến rút tiền hay không?” - nữ khách hàng nay bức xúc.
Một phần bảng kê lãi tiền gửi bà Mai nhận được sau khi chuyển sang dạng chứng từ lãi suất 13%/năm
Về phía NH, trả lời khiếu nại của khách hàng sau khi báo mất 9 tỉ đồng trong tài khoản, đại diện NCB cho biết bà Nguyễn Thị Thu Hà đã nghỉ việc tại NCB từ tháng 9-2016. Trong phản hồi gửi khách hàng và báo cáo gửi Cục Thanh tra giám sát NH TP Hà Nội, NCB cho biết toàn bộ 17 giao dịch phát sinh từ sổ tiết kiệm của bà Mai trong giai đoạn 30-10-2012 đến 6-10-2015 đều có đầy đủ chứng từ, chữ ký khách hàng, ký duyệt và đóng dấu hợp lệ của NH.
Từ thời điểm bà Mai chuyển sổ tiết kiệm sang chứng từ bảo lãnh NH với lãi suất cao 13%/năm, toàn bộ số tiền này không được bà Hà hạch toán vào hệ thống NCB, không có chứng từ, tài liệu thể hiện cụ thể và NH cũng không có sản phẩm bảo lãnh này. Các giao dịch bà Mai cung cấp không được hạch toán trong hệ thống mà chỉ là thỏa thuận cá nhân giữa bà Hà và bà Mai (?!).
“Giấy này do bà Hà tự lập ra, không thuộc biểu mẫu và chứng chỉ do NH cung cấp, không tuân thủ theo mẫu quy định của NCB và việc đóng dấu phòng giao dịch lên các bảng kê tiền gửi do bà Hà tự ý đóng dấu vì trong thời gian này người giữ con dấu có việc ra ngoài nên bàn giao lại con dấu cho bà Hà quản lý có biên bản bàn giao” - đại diện NCB lập luận.
Hiện vụ việc đã được NCB chuyển cho Phòng an ninh tiền tệ và đầu tư (PA84), Công an TP Hà Nội giải quyết, NH này cũng tố cáo bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Trưởng phòng giao dịch số 14, NCB về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng đến giao dịch tại NH này.
Tuy nhiên, khẳng định với báo chí, bà Nguyễn Bạch Mai cho rằng bà gửi tiền vào NCB, chứng từ có chữ ký của trưởng phòng giao dịch tại thời điểm gửi tiền và có dấu mộc của NH nên NCB phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi này, còn việc hồ sơ chuyển sang cơ quan công an là vụ việc giữa NH và nhân viên của họ. Hiện bà Mai cho biết đang chờ phản hồi của NCB sau khi tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần 2.