Ngày 8/10/2015, Chính phủ đã ra quyết định thông qua đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước ( SCIC ). Theo đó, SCIC sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại Vinamilk cùng 9 doanh nghiệp lớn khác như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bảo Minh…
Tính theo thị giá tại thời điểm đó, giá trị phần vốn của Nhà nước tại 10 doanh nghiệp này (trong đó có 8 doanh nghiệp niêm yết) vào khoảng gần 3 tỷ USD, trong đó riêng phần vốn tại Vinamilk có giá trị khoảng 2,4 tỷ USD.
Vinamilk hiện ở mức giá cao nhất từ khi niêm yết. |
Theo tính toán của CafeF, sau hơn 10 tháng, đến nay giá trị thị trường của 10 khoản đầu tư này đã lên đến 105.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,7 tỷ USD). Giá trị tăng thêm chủ yếu đến từ Vinamilk: 45% cổ phần mà SCIC nắm giữ đã tăng gần 40.000 tỷ (1,8 tỷ USD) lên hơn 94.000 tỷ đồng (4,2 tỷ USD).
Lúc kí quyết định, thị giá cổ phiếu Vinamilk ở quanh mức 100.000 đồng còn hiện tại đã lên đến 174.000 đồng – mức giá cao nhất từ khi niêm yết tính theo giá điều chỉnh.
Ngày mai (19/8) là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt tỷ lệ 40% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% của Vinamilk. Với 541 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, SCIC sẽ nhận về 2.164 tỷ đồng cổ tức và 108,2 triệu cổ phiếu thưởng.
8 cổ phiếu niêm yết trong danh sách thoái vốn của SCIC |
Có rất nhiều yếu tố giúp cổ phiếu Vinamilk khởi sắc trong thời gian qua. Trước hết đến từ lợi nhuận tăng trưởng mạnh (lợi nhuận năm 2015 tăng trưởng 28% và nửa đầu năm 2016 tăng 33%); bên cạnh đó là các yếu tố kỹ thuật như nới room nước ngoài và từ chính việc kỳ vọng vào SCIC sẽ thoái vốn trong tương lai.
Bên cạnh Vinamilk thì cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP) và Bảo Minh (BMI) cũng có mức tăng rất ấn tượng, từ 40-80%.
Chỉ duy nhất 1 cổ phiếu bị giảm giá so với thời điểm đó là SGC của Xuất nhập khẩu Sa Giang – đây cũng là khoản đầu tư có giá trị nhỏ nhất trong số 8 cổ phiếu đang niêm yết.