CTCK Maybank Kimeng vừa công bố báo cáo chiến lược đánh giá triển vọng thị trường. Theo nhận xét của các chuyên gia, VN-Index phần lớn thời gian trong năm 2016 di chuyển tuân theo kênh giá tăng với biên độ tương đối hẹp và độ dốc vừa phải. Trong ngắn hạn một tháng qua, sau lần tiếp cận cạnh trên của kênh giá tăng, đường giá đã chuyển sang pha tích lũy và giảm trở lại để kiểm tra vùng hỗ trợ quan trọng quanh vùng 670 điểm – khu vực cạnh dưới kênh giá tăng và đồng thời là vùng di chuyển của MA trung hạn.
Tùy thuộc vào cách ứng xử của đường giá tại khu vực 670 mà chúng ta có thể kỳ vọng “con sóng lớn” tiếp theo của VN-Index sẽ theo chiều nào.
Kịch bản tích cực:
Trong một kịch bản tích cực, nếu đường giá bảo lưu các quy tắc đã tồn tại suốt từ đầu năm 2016 đến nay (đường giá đã ít nhất có bốn lần bật tăng trở lại khi tiếp cận cạnh dưới kênh giá tăng), VNIndex sẽ có khả năng kết thúc pha điều chỉnh trong thời gian ngắn sắp tới và đường giá có cơ hội di chuyển tăng lên với vùng mục tiêu giá cho 1-2 tháng tới tại khu vực 720 điểm.
Kịch bản tiêu cực:
Ở kịch bản tiêu cực, một kết quả xâm phạm rõ rệt khu vực 670 điểm (ít nhất hai phiên đường giá đóng cửa dưới 665 điểm) sẽ tạo ra sự thay đổi quan trọng, phá bỏ quy tắc di chuyển mà VN-Index đã duy trì suốt từ đầu năm 2016 đến nay. Trong trường hợp điều này xảy ra, vùng mục tiêu gần nhất để “kỳ vọng” sự cân bằng được tái lập trở lại ở khu vực 630 điểm (một mức điều chỉnh giảm khoảng 6% về mặt chỉ số) trước khi chỉ số có thể xác định các bước đi tiếp theo.
Về giác độ kỹ thuật, chỉ nên đơn giản “giao dịch dựa trên kết quả xảy ra”, việc “dự đoán” kịch bản nào xảy ra là không thật sự cần thiết (mà chỉ nên hành động khi kịch bản tốt hoặc xấu xảy ra). Tuy nhiên kết hợp thêm một số yếu tố khác, MBKE cho rằng có nhiều lý do hơn để cho rằng xác suất lựa chọn kịch bản tích cực của thị trường vẫn lớn hơn.
Những yếu tố được MBKE cân nhắc cộng thêm bao gồm: (1) Khả năng đẩy mạnh kích thích nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm; (2) Khả năng “đảo chiều” trong hoạt động của khối ngoại và (3) Định giá của TTCK Việt Nam vẫn ở mức khá hấp dẫn.
Cụ thể, các chuyên gia của MBKE đánh giá, trong bối cảnh tăng trưởng GDP trong năm 2016 tính đến hết quý 3 có dấu hiệu chững lại thì Chính phủ hoàn toàn có thể xem xét thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ và đẩy nhanh giải ngân vốn tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bắt đầu áp dụng những chính sách phù hợp hơn, như đã đề cập trong Chỉ thị số 04/CTNHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, nhằm thực hiện 3 Nghị quyết quan trọng của chính phủ trong 2016.
Điều này có khả năng đẩy mạnh kích thích kinh tế trong giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh yếu tố vĩ mô tương đối lạc quan, định giá của TTCK Việt Nam cũng là điểm tạo ra sự hấp dẫn. Có thể thấy trong nhóm “ASEAN – 5” (không tính Singapore), TTCK tại nhóm này đang duy trì mức PE dự phóng trung bình cho 2016 quanh ngưỡng 22 trong khi thông số này dành cho TTCK Việt Nam khoảng gần 16 lần.
"Lẽ dĩ nhiên sẽ có “một chút khập khiễng” nếu đánh đồng TTCK Việt Nam (vốn dĩ vẫn đang nằm ở nhóm thị trường cận biên) so với các TTCK lớn hơn (đa phần trong nhóm thị trường mới nổi)." - Báo cáo viết - "Dù vậy ngay cả khi đưa vào mức chiết khấu khoảng 20%, sẽ vẫn là “phải chăng” nếu kỳ vọng PE của TTCK Việt Nam có thể tăng lên và xoay quanh mức 18, tương đương với kỳ vọng tăng trưởng về mặt điểm số thêm khoảng 12,5%."
Với một mức định giá PE vào loại “trung bình thấp” đi kèm với tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao trung khu vực, sẽ không quá đáng khi cho rằng Việt Nam vẫn còn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.