34/234 chợ truyền thống mở cửa
Cụ thể, tại khu vực nội thành, nhiều chợ như chợ Bến Thành, chợ Tân Định và Đa Kao (quận 1); chợ Vật Tư, Vật liệu xây dựng, Hòa Bình, An Đông và Kim Biên (quận 5) ; chợ Thiếc, Phú Thọ, Bình Thới (quận 11); chợ Thạnh Xuân, Tân Chánh Hiệp (quận 12); chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); chợ Kiến Thành, Bà Hom (quận Bình Tân); chợ Võ Thành Trang, Bàu Cát (quận Tân Bình); chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú)…
Ngoài ra, tại huyện Cần Giờ cũng đã có 8 chợ mở cửa gồm: Tam Thôn Hiệp, Đồng Hòa, Long Thạnh, An Thới Đông, Bình Khánh, Cần Giờ, Hòa Hiệp, Lý Nhơn. Huyện Củ Chi mở 7 chợ gồm: Lô 6, Phan Văn Cội, An Nhơn Tây, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Phước Thạnh, Củ Chi.
Chợ Bình Thới, quận 11 (TP Hồ Chí Minh), mở cửa hoạt đồng, giá nhiều mặt hàng rau củ quả, trái cây, thực phẩm...giảm mạnh. Ảnh: Sở Công thương TP Hồ Chí Minh
Tính riêng trong hôm nay (8/10), tại TP có 3 chợ mở lại gồm chợ Tân Định (quận 1), chợ Bàu Cát (quận Tân Bình) và chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú). Các chợ mở bán đều tập trung kinh doanh chủ yếu các mặt hàng lương thực thực phẩm.
Theo kế hoạch, trong 2 ngày tới (9 và 10/10), các chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ Xã Tây (quận 5), chợ Hòa Hưng (quận 10) cũng sẽ mở cửa bán lại. Như vậy, tính đến 10 sáng ngày 8/10, toàn TP còn 200 chợ truyền thống vẫn đang tạm ngưng hoạt động.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay các chợ đầu mối chưa mở lại mà chỉ mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng và nguồn hàng về ngày càng tăng. Trước 1/10, khoảng 800-900 tấn nay tăng lên 1.100-1.200 tấn/ngày.
“UBND TP chưa có chủ trương cho các chợ tự phát hoạt động lại. Đặc biệt các hành vi tự ý tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm là nghiêm cấm. Thế nên, mong người dân không mua sắm cũng như không buôn bán tại các khu vực tự phát” - Phó giám đốc Sở Công Thương nói và nhấn mạnh, chủ trương của TP là chỉ cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại nếu đảm bảo các tiêu chí hoạt động chợ an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
“Số chợ truyền thống sẽ được mở tăng dần trong thời gian tới. Song song đó, 3 chợ đầu mối cũng đang khẩn trương xây dựng phương án hoạt động trên cơ sở đặt mục tiêu phòng chống dịch lên trên hết để bảo đảm an toàn cho người bán lẫn người mua vào chợ", ông Lê Huỳnh Minh Tú cho hay.
Giá thực phẩm giảm 50%
Theo khảo sát của PV báo Kinh tế & Đô thị, nhờ nhiều chợ truyền thống đã cửa trở lại giá rau củ, thịt cá đã giảm mạnh so với thời điểm trước.
Theo đó, các mặt hàng rau xanh như cải xanh, cải ngọt, dưa leo, mùng tơi, khổ qua, cà chua, khổ qua…đều giảm giá từ 40 – 50% mỗi mặt hàng.
“Nếu như hồi tháng 7, giá cải ngôt 30.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 15.000/kg. Tương tự, giá cà chua cũng giảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng/kg; xà lách giảm từ 40.000 đồng/kg xuống còn 20.000 đồng/kg; rau mùng tơi giảm từ 35.000 đồng/kg xuống còn 12.000 đồng/kg…” – chị Nguyễn Thị Thơm, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cho biết.
Cũng theo chị Thơm, giá thực phẩm giảm mạnh là do giá nhập ở chợ đầu mối hạ nhiệt, lượng hàng về chợ nhiều, nên tiểu thương bán ở giá cạnh tranh hơn.
“Lúc giãn cách xã hội nguồn thực phẩm khan hiếm, nên giá bán cao. Giờ hàng hoá lưu thông dễ, các mặt hàng phong phú, tự nhiên giá thành sẽ giảm” – chị Thơm nói thêm.
Cùng thời điểm sáng nay (8/10), tại chợ Đa Kao (quận 1), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú)…giá cải ngọt, rau muống, hành lá, khoai tây, cà rốt, sả cây…cũng giảm trung bình 40-50% so với giá bán thời điểm tháng 7 và tháng 8/2021.
Không chỉ tại các chợ truyền thống, theo ghi nhận, các hội nhóm chợ online các quận, huyện TP, giá rau củ, thịt cá cũng đã hạ nhiệt dần so với thời điểm hơn 2 tuần trước.