Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television ngày 13/1, Thủ tướng cho biết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu (raise the celling) và mở rộng cánh cửa vào thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Phúc nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm điều đó trong năm nay.”
Việt Nam đang giới hạn tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các ngân hàng là 30% và đang tìm cách thu hút thêm đầu tư để củng cố hệ thống tài chính. Hệ thống này đang chao đảo bởi sự gia tăng đột biến nợ xấu tại các doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Maika Elan/Bloomberg). |
Thủ tướng không đưa ra tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới. Bên cạnh đó, ông Phúc cho biết chính phủ có thể bán toàn bộ cổ phần tại các ngân hàng đang gặp khó khăn nếu có nhà đầu tư nước ngoài nào tỏ ý quan tâm. Trong đó, ông Phúc đã đề cập đến OceanBank. Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank vào năm 2015 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động yếu kém.
Bước tiến tích cực
Theo nhà kinh tế cấp cao Trinh Nguyen của Natixis SA (Hồng Kông), quyết định nới ‘room’ tại các ngân hàng sẽ thu hút thêm các khoản đầu tư vào Việt Nam và giúp chính phủ giải quyết các khoản nợ xấu. Bà Trinh đánh giá đây là một bước tiến tích cực nếu thành hiện thực.
Năm 2012, chính phủ thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) để mua lại các khoản nợ xấu từ ngân hàng. Tới tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu trong các khoản vay của ngân hàng giảm từ 17% xuống 2,5%. Tuy nhiên, hồi tháng 7/2016, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chưa đến 5% các khoản nợ xấu được chuyển giao qua VAMC được xử lý.
Bên cạnh việc nới ‘room’ tại các ngân hàng, chính phủ đang đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước không thuộc lĩnh vực tài chính như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Hồi tháng 12/2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiến hành bán 78,4 triệu cổ phiếu tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) – công ty sữa lớn nhất Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài
Vị Thủ tướng 62 tuổi cho biết ông muốn đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 nền kinh tế thân thiện với nhà đầu tư nhất tại Đông Nam Á trong năm nay. Chính phủ đang phát triển các sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, trong đó bao gồm các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thuế và khả năng tiếp cận, sử dụng điện, đất.
Ông Phúc cho biết Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng. Ông nói: “Chúng ta có nguồn nhân lực rất trẻ và chúng ta cần đào tạo họ và đảm bảo rằng họ sẵn sàng.”
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Các khoản đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% ngành công nghiệp xuất khẩu và đang giúp nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi thành một trung tâm sản xuất chế tạo của khu vực Đông Nam Á. Giải ngân vốn FDI tăng lên mức kỷ lục 15,8 tỷ USD trong năm 2016 – một trong những lý do giữ GDP tăng trưởng vững chắc trên 6%.
Ông Phúc dự báo tăng trưởng năm nay sẽ còn cao hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2017-2020 đạt 7%.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng cho biết Việt Nam cần cải thiện quá trình tái cơ cấu tại tất cả các lĩnh vực và giải quyết vấn đề tham nhũng, hối lộ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển lực lượng công chức có khả năng giúp đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng như thực hiện những cam kết trong các hiệp định thương mại.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đạt được nhiều thành tựu sau 30 năm cải cách. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều thách thức. Việc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn tiến triển chậm và điều đó dẫn tới tình trạng năng suất và thu nhập thấp.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng rất nhanh trong 10 năm trở lại đây. |