Tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường Việt Nam năm nay được dự báo có thể vượt qua mốc 300.000 chiếc. Ảnh: ST. |
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến tết Nguyên đán. Theo thông lệ hàng năm, đây là dịp thị trường ô tô trở lên sôi động, nhất là phân khúc xe du lịch, thậm chí có năm còn “sốt” nóng do nhu cầu tăng cao. Năm nay, đến thời điểm này, thị trường dường như đang “nín thở” nghe ngóng, nên sức mua đang khá bình bình. Liệu sức mua có dồn lại và tạo thành cơn “sốt” nóng vào những ngày cuối năm?
Rất ít khách quyết tâm xuống tiền
Khảo sát qua một vài cửa hàng bán ô tô trên đường Gia Lâm (Hà Nội) vào ngày nghỉ cuối tuần, phóng viên nhận thấy lượng khách hàng đi xem xe khá đông song tỉ lệ chốt mua ký hợp đồng thấp.
Chủ một cửa hàng chuyên bán các dòng xe “lướt” (xe đã qua sử dụng) cho biết: khách hàng đang có tâm lý chờ đợi bởi nhiều thông tin liên quan đến ô tô chưa ngã ngũ.
Thứ nhất đó là việc dùng dằng trong việc thực hiện Thông tư 20 (TT20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương); Quốc hội liệu có quyết đưa ô tô vào danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện không?
Tiếp theo là việc truy thu thuế TTĐB đối với ô tô mua trước thời điểm 1-7-2016, nhưng tính thuế TTĐB theo mức mới cao hơn từ sau 1-7-2016. Cùng với đó là từ 1-1-2017, thuế NK ô tô trong khu vực sẽ giảm…
Tất cả những chính sách này sẽ tác động rất mạnh đến giá bán xe, vì thế tâm lý người tiêu dùng đều không dám chắc thời điểm này mua xe đã đúng vào lúc giá tốt nhất chưa để ký hợp đồng.
Thực tế trước đây trung bình mỗi ngày cửa hàng này tiêu thụ 5-7 xe, hiện khách đến xem thì đông, nhưng cả tuần không “chốt” nổi 1 xe.
Tình hình cũng diễn ra tương tự đối với 1 cửa hàng bán ô tô khác ở Long Biên (Hà Nội). Một nhân viên bán xe ở đây thở dài cho biết: Nhu cầu khách lớn, nhìn lượt người đến xem xe hàng ngày thì thấy, nhưng rất ít khách quyết tâm “xuống” tiền vì đều “lăn tăn” sang năm 2017, thuế giảm, giá xe sẽ giảm.
Người nhân viên này cho biết: Dịp tháng 5, tháng 6 bán xe rất sướng, mỗi ngày cậu “chốt” được 2-3 xe, còn tháng trước, mỗi tuần cậu cũng “chốt được 2-3 xe, nhưng cả tuần này “móm”, chưa bán được xe nào.
Đối với các đại lý bán xe chính hãng, mức độ tiêu thụ xe được đánh giá là “vẫn ổn”, không có sự đột biến, trừ một vài mẫu xe mới ra mắt đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng cũng như đại lý đang phải trả các đơn hàng đặt từ trước đó.
Đơn cử như khảo sát tại một đại lý của Toyota Việt Nam nhận thấy chiếc Innova, nhờ mới ra, nên đang thu hút được khách hàng, hiện do thiếu linh kiện nên đây đang là mẫu xe “cháy” hàng, khách phải chờ khá lâu.
Đặc biệt Toyota còn có chiếc Vios đang được bán với tốc độ “tốt đột xuất”. Tháng 10 mẫu sedan cỡ nhỏ này của Toyota đã bán đạt tới 2.148 chiếc, hiện là mẫu xe đắt khách nhất thị trường.
Cũng nhận được sự quan tâm tốt của khách hàng là các mẫu Ranger của Ford, City của Honda, Mazda 3 của Thaco…. Đặc biệt phấn khởi hơn cả là Mercedes Việt Nam đang có nhiều mẫu xe mới đắt khách, thậm chí là cháy hàng.
Tuy nhiên các các mẫu xe còn lại đều đang được đánh giá là đều đều, thậm chí có nhiều mẫu bán “chậm”.
Mercedes Việt Nam đang có nhiều mẫu xe mới đắt khách, thậm chí là cháy hàng. |
Trao đổi với phóng viên, đại diện các đại lý đều có chung quan điểm cho rằng: Mặc dù mức tiêu thụ vẫn tăng trưởng, song không được như kỳ vọng. Bởi thông thường hàng năm, đây sẽ bắt đầu là thời điểm khách hàng có nhu cầu đặt mua xe.
Hiện các khách hàng đều có tâm lý chờ đợi trong bối cảnh chính sách đang chưa ổn định, nhất là nhiều khách hàng kỳ vọng giá xe sẽ rẻ vào năm 2017 khi thuế NK ô tô trong khu vực giảm.
Tâm lý chờ đợi thấy rõ nhất đối với các dòng xe NK chính hãng. Do đã bán tốt vào thời điểm tháng 5 và 6, khi thuế TTĐB có sự thay đổi, lượng xe tiêu thụ tăng cùng với đó là lượng đơn hàng mua xe cũng đã được “chốt” khá lớn vào thời điểm diễn ra tại 2 kỳ triển lãm trong tháng 10 nên hiện tốc độ tăng trưởng của các dòng xe sang, được NK chính hãng đang chậm lại.
Hiện các đại lý chủ yếu là giao hàng cho các đơn hàng đã ký trước đó. Đơn cử như trong tháng 10, đã có 121 chiếc Lexus giao đến người tiêu dùng, tăng 35% so với tháng liền kề trước đó. Tuy nhiên bước sang tháng 11, lượng khách ký hợp đồng mua xe của đại lý Lexus tại Hà Nội dự báo sẽ không được khả quan như vậy.
Nóng vào giai đoạn cuối năm?
Nhận định chung của các cửa hàng đại lý kinh doanh ô tô đều cho rằng: Thị trường cuối năm 2016 rất khó định đoán.
Trưởng phòng kinh doanh một DN chuyên NK ô tô tại Hải Phòng cho biết: DN vừa NK khoảng 100 chiếc xe, mới bán chưa được nửa số đó thì có thông tin xe bán ra xuất hóa đơn sau 1-7-2016 phải áp mức thuế TTĐB mới thế là khách hàng “chững” lại hết, không mua, thậm chí hợp đồng đã ký, đặt cọc khách cũng không nhận hàng vì theo thuế mới giá tăng đột biến. Thậm chí giờ DN chấp nhận bán lỗ, bán giá cũ (giá chưa tăng thuế TTĐB) nhưng vẫn không bán được.
Vị này nhận định, nhu cầu mua xe vào thời điểm cuối năm là thực tế, năm nay kinh tế tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô từ đầu năm đến giờ cũng rất tốt, xu thế “chậm” của thị trường ô tô giai đoạn này là do tâm lý “nghe ngóng” của khách hàng.
Khi các chính sách liên quan đến ô tô đã thống nhất, rõ ràng, thị trường sẽ “nóng”, song lúc đó giá xe sẽ cao (do thuế TTĐB tăng), nguồn hàng không nhiều (do DN không dám NK).
Vì vậy theo DN này, đây là thời điểm mua xe tốt, gần hết năm, nhiều DN đến hạn đáo nợ ngân hàng cần thu hồi vốn, hàng đọng lãi suất “ăn hết vốn” nên DN có tâm lý “bán hồi vốn”, giá nào cũng bán.
Đại diện một đại lý bán xe Ford cũng đồng tình cho rằng: Giá ô tô sẽ không có cơ hội giảm trong thời gian gần do thuế TTĐB vừa được điều chỉnh tăng.
Cuối năm là thời điểm các đại lý cần chốt doanh số nên giá bán sẽ “mềm mại” hơn để tăng lượng xe bán ra. Năm 2017, thuế NK xe có giảm, nhưng thuế TTĐB lại tăng.
Tâm lý bán cố để giải phóng hàng, chốt doanh số cũng diễn ra với nhiều cửa hàng, đại lý khác trên thị trường. Tuy nhiên như đã nói đây đang là thời điểm khách hàng có chung tâm lý “nghe ngóng” nên tốc độ tiêu thụ xe không đạt được như mong muốn.
Một yếu tố khác được dự báo là sẽ tác động “nóng” đến thị trường ô tô, đó là nguồn cung hiện đang khó khăn.
“Nguồn” cho thị trường ô tô hiện nay đến chủ yếu từ: Sản xuất lắp ráp trong nước, NK chính hãng, NK xe đã qua sử dụng, NK theo tiêu chuẩn quà biếu, quà tặng...
Nguồn xe NK theo tiêu chuẩn quà biếu, tặng hiện đang rất ít, do các cơ quan quản lý siết chặt nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để NK xe cũng như gian lận về thuế.
Nguồn từ NK xe đã qua sử dụng hiện các DN cũng không dám NK nhiều vì với mức thuế TTĐB tăng cao (đối với xe dung tích lớn 2.5L trở lên từ 1-7-2016), xe cũ sẽ tăng giá lên rất nhiều (xe cũ hiện đang phải áp mức thuế NK tuyệt đối nên thuế NK xe cũ hiện cao hơn xe mới, cộng với thuế TTĐB tăng, giá xe cũ theo đó tăng, thị trường chưa thể chấp nhận được mức giá đó).
Đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước, nhiều DN cũng chưa dám lên kế hoạch cụ thể cho sản xuất khi một chính sách quan trọng tác động mạnh tới ngành sản xuất ô tô trong nước đó là việc đưa ô tô vào ngành hàng kinh doanh có điều kiện chưa được “quyết”.
Đối với xe NK chính hãng, từ năm 2011 đến 1-7-2016 thực hiện theo Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương với 2 nội dung: DN có giấy ủy quyền chính hãng và giấy chứng nhận bảo hành bảo dưỡng đủ điều kiện của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên từ 1-7-2016, mặc dù TT 20 hết hiệu lực nhưng do chưa có văn bản pháp lý nào về lĩnh vực này được ban hành nên các cơ quan quản lý vẫn “mặc nhiên” tiếp tục thực hiện TT20. Song do danh mục các điều kiện kinh doanh (trong đó có bảo hành bảo dưỡng ô tô) hết hiệu lực từ 1-7-2016 nên Bộ GTVT không cấp giấy chứng nhận bảo hành bảo dưỡng đủ điều kiện cho các DN nên các DN nhập khẩu ô tô không “đủ điều kiện” NK ô tô khi giấy bảo hành, bảo dưỡng do Bộ GTVT cấp hết hạn.
Có thể thấy nhu cầu mua ô tô không giảm, qua giai đoạn “ngóng chờ” này, thị trường sẽ tiếp tục sôi động, nhưng với xu thế nguồn cung giảm, dự báo thị trường có thể “sốt” nóng trong giai đoạn ngắn, nhất là dịp Tết Nguyên đán.