Ngày 22-7, quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp Tổ công tác 334 do ông Trần Hùng làm tổ trưởng tiến hành kiểm tra một số cửa hàng Con Cưng quận 1, quận 3, quận 6 trên địa bàn thành phố để xác minh theo yêu cầu chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công Thương và Cục Quản lý thị trường. Bước đầu kiểm tra, cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, nguồn gốc tại các sản phẩm thuộc hệ thống.
Lực lượng QLTT đang làm nhiệm vụ kiểm tra tại cửa hàng Con Cưng |
Kết quả cho thấy các cửa hàng này đều chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa; có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Trong đó đáng chú ý mặt hàng mỹ phẩm cho trẻ em nhãn mác không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định…
Trên sản phẩm ghi xuất xứ: made in Thailand, nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp trên sản phẩm. Đối với hiệu concung.com không có nhãn gốc hàng hóa và nhãn phụ tiếng Việt không đính kèm sản phẩm mà treo trên móc treo. có một nhãn mác gắn trên móc treo có ghi giá, nguồn gốc xuất xứ Thái Lan, mã vạch… Về hình thức thì tuân thủ đúng quy định pháp luật nhưng khi kiểm tra mã vạch thì không hiện ra xuất xứ Thái Lan.
Một sản phẩm kem tan mỡ bụng nhưng của hai công ty Việt Nam |
Tại cửa hàng này, QLTT còn phát hiện có 130 mặt hàng phấn, sữa tắm, sữa tắm, gội, sữa dưỡng da…hiệu Johnson’s và Johnson’s baby do Thái Lan, Philipines, Malaysia sản xuất, có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm. Tuy nhiên không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định...
Khi được yêu cầu giải thích, nhân viên quản lý tại cửa hàng Con Cưng địa chỉ 833 Hồng Bàng (P.9, Q.6) không trả lời được sản phẩm sản xuất từ đâu, bởi công ty nào mà chỉ nói việc dán nhãn thay đổi xuất xứ này là “lỗi do nhà sản xuất”.
“Về nguyên tắc, sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem nhãn phụ thể hiện rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần... dịch trung thành từ tem nhãn gốc. Nhưng hầu hết các sản phẩm được nhập từ Thái Lan tại cửa hàng chỉ in thông tin mờ nhạt trên sản phẩm và dễ dàng bị xóa đi chỉ sau vài lần giặt. Trong khi đó, mác lại được treo bên ngoài móc, có thể dễ dàng thay đổi, thể hiện đơn vị cung cấp không liên quan trách nhiệm đối với sản phẩm, không nêu rõ được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm” - ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường - Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công thương đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cần kiểm tra thật kỹ lưỡng, lập biên bản tịch thu tạm giữ tất cả các sản phẩm có dấu hiệu sai phạm để tiến hành xác minh, có phương án xử phạt thật nghiêm nếu phát hiện hành vi giả dối, gian lận trong hoạt động kinh doanh của công ty này.
Trị giá hàng hóa vi phạm tạm giữ ở hai cửa hàng quận 3 và quận 6 gần 450 triệu đồng.