Một nhân viên cao cấp giấu tên cho Korea Times biết: Samsung đang bắt đầu chiến lược từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại LCD, mảng kinh doanh không còn hứa hẹn nữa và cũng đang dần trở nên không có lợi nhuận. Nhiều khả năng công ty mẹ Samsung Electronics sẽ mua lại mảng kinh doanh LCD của công ty con Samsung Display và dùng nó để tập trung và kinh doanh Ti vi LCD. Hiện tại Samsung Electronics nắm 84.8% cổ phần của Samsung Display, việc tách mảng LCD sẽ giúp Samsung Display bớt gánh nặng và tập trung hơn vào việc Nghiên cứu các công nghệ OLED.
LCD sẽ bị khai tử ?
Theo nghiên cứu thị trường của IHS, tính đến quý I/2016, chi phí sản xuất trung bình cho một màn hình 1.080p (Full HD) 5 inch ở mức 14,60 USD cho màn hình LCD và 14,30 cho màn hình OLED. Năm ngoái, chi phí làm ra LCD ở mức 15,70 USD và OLED ở mức 17,10 USD.
Con số từ IHS cho thấy chi phí sản xuất của cả hai loại màn hình đều đang rẻ đi, và OLED trong hai năm qua đã rẻ hơn so với LCD. Với chất lượng nhỉnh hơn và giá rẻ hơn, OLED có thể sẽ khiến các hãng điện thoại suy tính lại.
Nhiều năm qua, LCD có chi phí sản xuất rẻ hơn OLED và là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất smartphone. Hầu hết các hãng đều lựa chọn IPS LCD và thường xuyên nhắc đến công nghệ này trong những tài liệu quảng bá.
Cùng với đó, trong quý 1.2016, Samsung Display báo lỗ 235 triệu USD, chủ yếu do lợi nhuận thấp trong hoạt động kinh doanh màn hình LCD.
Màn hình LCD sẽ không còn được lựa chọn... |
OLED sẽ “thế chân”
Samsung Display sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào khi từ bỏ kinh doanh LCD, bởi lẽ công ty này đã giành được hợp đồng lớn với Apple trong việc sản xuất màn hình OLED cho iPhone 2017.
Theo Neowin, Samsung đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nhằm mang lại hiệu quả làm việc tốt nhất cho công ty, và Samsung Display là đơn vị kinh doanh mới nhất nằm trong chiến lược tái cơ cấu này.
Cũng theo Neowin, giá trị của thương vụ này lên tới 2,6 tỉ USD, và ước tính Samsung sẽ sản xuất khoảng 100 triệu tấm nền màn hình OLED cho Apple.
Ngoài ra, OLED cũng là công nghệ màn hình được Samsung sử dụng cho các flagship cao cấp.
Hiện tại, chi phí sản xuất một màn hình OLED chỉ rẻ hơn một chút so với LCD, nhưng khi sản xuất hàng loạt, lựa chọn OLED sẽ tiết kiệm một khoản đáng kể, đủ để các hãng điện thoại phải cân nhắc lựa chọn. Khi đó, LCD sẽ bắt đầu bị lãng quên.
Samsung hiện đã cho một số dây chuyền LCD ngưng hoạt động và đàm phán để bán các dây chuyền này cho các đối tác TQ giấu tên.
Dự kiến 1/3 số điện thoại thông minh sẽ sử dụng màn hình OLED/AMOLED trong năm 2018, theo phân tích từ Nomura Securities.
IPS (in-plane switching) là nhánh chính của màn hình LCD, được Hitachi phát triển vào năm 1996 với các lớp tinh thể lỏng được xếp theo hàng ngang song song với hai lớp kính phân cực ở trên và dưới thay vì đặt vuông góc. Cải tiến này giúp màn hình giảm tán xạ ánh sáng, cho góc nhìn rộng hơn và màu sắc hiển thị tốt hơn so với chuẩn TFT LCD từng phổ biến trước khi có IPS. Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng màn hình IPS LCD lại yêu cầu một đèn nền sáng hơn, dẫn đến tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Đồng thời, công nghệ này cũng khiến màn hình dày hơn so với các loại khác. Màn hình LCD cũng không tự tạo ánh sáng mà phải nhờ đến đèn nền để phát sáng. Trong khi đó, công nghệ OLED lại khắc phục được hầu hết nhược điểm của LCD. OLED (viết tắt của Organic Light Emitting Diode), sử dụng lớp phát sáng được làm bằng hợp chất hữu cơ. Màn hình OLED không yêu cầu đèn nền, do đó nó làm giảm điện năng tiêu thụ cũng như hiển thị màu đen tốt hơn. Một trong những lợi thế của màn hình OLED là màu sắc sống động, góc nhìn rộng hơn, cải thiện độ sáng và tiết kiệm điện. Hiện tại, công nghệ OLED được hai hãng điện thoại Hàn Quốc sử dụng cho smartphone của mình. Samsung dùng Super AMOLED, một nâng cấp đáng kể từ OLED, trong LG áp dụng màn hình OLED lên hầu hết các sản phẩm tầm trung gần đây. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới smartphone, trong đó có iPhone của Apple, vẫn trung thành với công nghệ LCD và các biến thể của nó như IPS LCD, Super LCD, LED-backlit IPS LCD,...vì có những ưu điểm riêng. |