Đa dạng sản phẩm
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart, Co.op Mart, Vin mart, Big C... cho thấy, các doanh nghiệp đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay thương hiệu Việt như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan với giá khá rẻ.
Cụ thể nem chay dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg, gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; giò nạc, giò bò, giò nấm 60.000 - 100.000 đồng/kg; cơm cháy, cơm gạo lứt sấy 30.000 - 70.000 đồng/gói 150 - 200gram. Một số sản phẩm khô được người tiêu dùng yêu thích như sườn non, gà lát, bong bóng cá, thịt bò, thịt dê… có giá trên dưới 300.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng mua thực phẩm chay tại siêu thị
Không chỉ đưa ra thị trường sản phẩm khô, hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chay còn giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm chay đông lạnh như: Cá, tôm chay 100.000 - 300.000 đồng/kg, cá bạc má, cá sặc, đùi gà sả… giá 30.000 - 60.000 đồng/gói 200 - 300gram. Ngay cả dòng sản phẩm ăn liền đã xuất hiện bún riêu cua, bánh đa, bánh canh bột, bún gạo lứt chay giá trên dưới 5.000 đồng/gói.
Nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hầu hết siêu thị đang đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá từ 15 - 20% thực phẩm chay.
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Dung cho biết, những ngày gần đây, sức tiêu thụ thực phẩm chay tăng 20 - 25% so với ngày thường. Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thuần chay organic (hữu cơ) qua đó giảm bớt lượng đường, mỡ trong máu.
Các tiểu thương kinh doanh đồ chay tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, hiện dịch vụ bán đồ chay đã trở nên phổ biến vì nhu cầu của nhiều người, nhất là những ngày mùng 1 và ngày rằm âm lịch hàng tháng, tuy nhiên “được mùa” nhất vẫn là dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu. Nếu như trước đây, món ăn chay chỉ đơn giản là rau củ luộc, giò lụa... thì nay mâm lễ chay phong phú, đa dạng với nhiều mẫu mã và giá thành khác nhau.
Người tiêu dùng mua thực phẩm chay tại siêu thị
Để phục vụ nhu cầu cúng chay trong ngày Vu Lan báo hiếu, các nhà hàng chuyên kinh doanh đồ ăn chay như Vô Ưu chay, Bồ Đề Tâm, Vị Lai, Thiên Phúc… cũng đẩy mạnh giới thiệu dịch vụ nấu cỗ chay trọn gói.
Đại điện nhà hàng Bồ Đề Tâm cho biết, với mức giá từ 600.000 - 800.000 đồng, người tiêu dùng có thể đặt một mâm cỗ chay gồm 5 - 7 món như gà chay hấp, nem, giò lụa, đậu chiên xù, nấm kho, nộm, rau xào, xôi vò hạt sen, canh; Mâm cỗ chay 10 - 12 món có giá từ 900.000 - 1,2 triệu đồng. Với những mâm cỗ chay bao gồm món cao cấp như tôm chay nướng, bò chay xào lúc lắc, sườn chay chua ngọt, cá thu chay sốt, nộm cung đình… có mức giá dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/mâm.
Cần tăng cường thanh tra an toàn thực phẩm
Nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm này ngày càng gia tăng, thì không ít cơ sở sản xuất chỉ chạy theo lợi nhuận không chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đặc biệt, sau vụ ngộ độc pate Minh Chay vừa qua cho thấy, nếu thực phẩm chay không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ gây hậu quả khôn lường với sức khỏe người tiêu dùng.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, mối lo lớn nhất hiện nay nằm ở dạng thực phẩm chay đóng gói công nghiệp, chế biến sẵn bầy bán ở chợ dân sinh, trên mạng Zalo, Facebook… nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các thực phẩm chay đóng gói được bán gồm váng đậu, mì, mề chay, giò lụa… có giá dao động từ 30.000 - 45.000 đồng/gói 100 - 150g nhưng không ghi hạn sử dụng, cơ sở sản xuất hoặc hàng ngoại nhập không dán tem nhãn phụ bầy bán tràn lan.
Người tiêu dùng mua thực phẩm chay tại siêu thị Win Mart
Lý giải vấn đề này, một tiểu thương kinh doanh đồ chay tại chợ Nam Đồng (quận Đống Đa) cho biết, đồ chay giả mặn là sản phẩm của một công ty ở TP Hồ Chí Minh nên khách hàng có thể yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, cũng nhãn hàng đó, một chủ cửa hàng ở chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy) lại thông tin, đây là sản phẩm do một cơ sở sản xuất tại huyện Hoài Đức, điều này khiến người tiêu dùng lạc vào “ma trận” nguồn gốc nơi sản xuất thực phẩm chay.
Thực tế cho thấy hầu hết sản phẩm chay bầy bán tại hệ thống chợ truyền thống hoặc mạng xã hội Zalo, Facebook không ghi ngày, tháng sản xuất và hạn sử dụng. Lý giải vấn đề này, những người kinh doanh mặt hàng này quảng cáo đây là sản phẩm nhà tự làm (handmade) nên người sử dụng có thể hoàn toàn tin tưởng chất lượng sản phẩm. Mặc dù người bán quảng cáo thực phẩm chay handmade luôn đảm bảo ATVSTP, nhưng người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi xảy ra vụ việc pate Minh Chay có chứa độc tố botulinum.
Để ngăn chặn hiện tượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chay không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATVSTP, đòi hỏi lực lượng chức năng như quản lý thị trường, y tế phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho biết, hiện trên địa bàn TP có 126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay. Nhằm hạn chế hiện tượng kinh doanh thực phẩm chay không đảm bảo ATVSTP, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các đội quận, huyện tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, lưu thông mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, trong đó có thực phẩm chay tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử...
Tương tự, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, đơn vị đã yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra chất lượng ATVSTP tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay để kiểm soát hóa đơn nhập hàng, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng.