Tháng Bảy lịch ta là tháng Vu Lan báo hiếu. Hôm nay ngày Rằm, chính lễ Vu Lan. Các ngôi chùa Hà Nội ngan ngát khói hương, tấp nập người đi lễ, cầu bình an cho đấng sinh thành, cũng là tưởng nhớ cha mẹ đã khuất. Rằm tháng Bảy còn được coi là ngày Xá tội vong nhân. Những cơn mưa ngâu cũng gắn với chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ. Mỗi tập tục, sự tích mang một ý nghĩa, nhưng gặp nhau ở nét nhân văn truyền thống của người Việt.
Như các cụ ta xưa thường nói, phú quý sinh lễ nghĩa. Việc mọi người quan tâm đến việc đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, là hệ quả tốt đẹp của cuộc sống tinh thần, vật chất ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nói đến Lễ Vu Lan, không thể không nhớ đến những dòng Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết từ những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ trước trong đoạn văn Bông hồng cài áo: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù đã khuất. Người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”.
Nghĩ về phong tục đẹp đẽ này, lại nghĩ đến những việc mà mỗi người cần và có thể làm để báo hiếu cha mẹ, tổ tiên. Những người được cài bông hồng trắng trên ngực áo đành phận thiệt thòi cha mẹ đã khuất núi, chỉ biết biểu lộ tấm lòng hiếu thảo bằng việc lên chùa làm lễ Vu Lan, mỗi năm định kỳ cúng giỗ, cùng con cháu nhớ lại những kỷ niệm ấm áp về cha mẹ… Và theo giáo lý nhà Phật, con cháu càng làm việc thiện, điều tốt, rạng danh ông bà cha mẹ, thì cũng có nghĩa là đã báo hiếu được các đấng sinh thành. Với những người có hạnh phúc được cài bông hồng đỏ trên ngực áo, không chỉ là việc thể hiện tấm lòng với cha mẹ trong lễ Vu Lan báo hiếu, thăm nom chăm sóc lúc ốm đau… Bên cạnh niềm vui vì con cái hiếu hạnh, thành đạt, với người già sự qua lại thường xuyên, gần gũi còn cần thiết hơn những chăm sóc về vật chất.
Trong xã hội hiện đại với những gấp gáp của cuộc mưu sinh, không ít người có thể dành thời gian dự một buổi lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức trang trọng nơi chùa chiền, xong chắc cũng không nhiều người dành được thời gian thường xuyên qua lại, trò chuyện, tâm sự với cha mẹ ở tuổi xế chiều. Phải chăng, cũng bởi thế mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bài viết nói trên đã nhắc nhở: “Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi!”.
Đi chùa tham dự lễ Vu Lan đã trở thành một trào lưu trong xã hội hiện nay. Không chỉ ngày Rằm, mà trong suốt nửa đầu tháng Bảy, khói hương nghi ngút tại các chùa chiền và tư gia cho lễ Vu Lan. Để đáp ứng nhu cầu trên, nhiều nhà chùa mở những “dịch vụ” làm lễ Vu Lan. Người có nhu cầu chỉ cần chi một khoản tiền là có thể yên tâm về một lễ Vu Lan đúng thủ tục. Đó cũng là một cách biểu lộ lòng hiếu thảo, tình cảm với cha mẹ dù đang tại thế hay đã khuất bóng, đã nhuốm chút màu thương mại hóa. Nhưng cũng còn những cách biểu lộ tấm lòng thơm thảo của phận làm con bình dị, thiết thực hơn, mà xem ra cũng khó thực hiện hơn. Đó là những người có hạnh phúc được cài bông hồng đỏ trên ngực áo trong lễ Vu Lan, hãy dành nhiều thời gian hơn đến thăm cha, mẹ già, làm sao để cuộc sống của những người cao tuổi luôn nhận được hơi ấm từ ánh mắt, tiếng cười của con cháu. Và một điều quan trọng, theo Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh trong thông điệp nhân mùa Vu Lan 2018: Vu Lan là mùa để mỗi người cảm nhậnTứ trọng ân theo giáo lý nhà Phật, trong đó có ơn sinh thành của cha mẹ mà sống cho tốt hơn, có ích cho cộng đồng xã hội. Như vậy cũng có nghĩa là đã báo hiếu được cha mẹ, ông bà.
Từ những lời dạy ấy, có thể hiểu báo hiếu ông bà cha mẹ là việc mà những người con hạnh phúc được làm, trong mọi thời điểm của cuộc sống với một tâm thế hướng thiện. Hiểu và làm theo đạo lý ấy, chắc sẽ không còn cảnh đua nhau đăng ký khóa lễ Vu Lan báo hiếu như kiểu bỏ tiền để thụ hưởng một dịch vụ. Cũng sẽ không còn cảnh đốt vàng mã tràn lan, người đi lễ chen nhau cướp lộc… làm mất đi ý nghĩa nhân văn cao đẹp của lễ Vu Lan.
Và như vậy cũng có thể hiểu rằng không phải đợi đến Rằm tháng Bảy mới cử hành lễ Vu Lan, mà có thể thực hiện quanh năm những lễ báo hiếu trong tâm tưởng và hành động với các bậc sinh thành. Bởi Vu Lan trước hết là ở trong lòng mỗi chúng ta!