BIDV có tổng huy động vốn cao nhất, nhưng tính bình quân theo điểm giao dịch thì Vietcombank mới là số 1
Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, qua 9 tháng đầu năm, BIDV là ngân hàng huy động được nguồn tiền gửi lớn nhất, với gần 710.000 tỷ đồng. Ngân hàng VietinBank đứng vị trí thứ hai với gần 625.500 tỷ đồng và Vietcombank đứng thứ ba với hơn 573.100 tỷ.
Trong nhóm cổ phần, Sacombank dẫn đầu với hơn 285.400 tỷ đồng tiền gửi, tiếp đến là ACB với hơn 201.000 tỷ. Các ngân hàng còn lại đều huy động dưới con số 200.000 tỷ đồng, với thứ tự thuộc về MB, Techcombank, SHB...
Các ngân hàng top đầu huy động được nhiều vốn là điều dễ hiểu bởi mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của họ lớn hơn nhiều các ngân hàng khác.
Tuy nhiên, tính bình quân vốn huy động từ các điểm giao dịch thì Vietcombank mới là quán quân. Hiện ngân hàng này có khoảng 460 điểm giao dịch, nhưng huy động được hơn 573.000 tỷ, tức mỗi điểm giao dịch huy động bình quân 1.246 tỷ đồng trong 9 tháng.
BIDV huy động được tổng vốn nhiều nhất nhưng tính bình quân chỉ được 705,6 tỷ đồng trong 9 tháng ở mỗi điểm giao dịch. Ngân hàng VietinBank với hơn 1.100 điểm giao dịch, bình quân chỉ huy động được chưa đến 550 tỷ đồng ở mỗi điểm.
MB là ngân hàng có mạng lưới hệ thống mỏng, chỉ bằng 1/4 đến 1/5 của VietinBank và BIDV, nhưng bình quân mỗi điểm giao dịch của nhà băng này huy động được hơn 735 tỷ đồng, nhiều hơn cả mức bình quân của BIDV.
Bình quân huy động vốn ở mỗi điểm của VietinBank chỉ cao hơn không nhiều so với mức bình quân ở Techcombank với 519 tỷ và Sacombank 506 tỷ, thậm chí còn thấp hơn cả mức trung bình của ACB là 583 tỷ đồng và VPBank 584 tỷ đồng mỗi điểm trong 9 tháng qua.
Đáng chú ý, các ngân hàng nhỏ nhưng Bắc Á lại có mức huy động vốn bình quân rất cao, tới hơn 630 tỷ đồng/điểm giao dịch, hay TPBank cũng đạt 458 tỷ đồng ở mỗi điểm, cao hơn cả mức bình quân huy động của các ngân hàng lớn hơn như SHB, VIB. Eximbank với 207 chi nhánh, phòng giao dịch huy động được hơn 103 nghìn tỷ đồng, tính ra trung bình đạt gần 500 tỷ ở mỗi điểm.
Con số không phải là tất cả
Một chuyên gia phân tích, việc các ngân hàng huy động được nhiều vốn, ngoài liên quan kinh doanh còn thể hiện niềm tin của người gửi tiền đối với ngân hàng bởi với nhiều người, đặc biệt là doanh nghiệp họ tin thì mới gửi.
Tuy nhiên, cũng không ít người mang tiền gửi còn vì lãi suất bởi họ có niềm tin tuyệt đối vào hệ thống ngân hàng, rằng ngân hàng là trường tồn vĩnh cửu, quyền lợi của người gửi tiền luôn luôn được đảm bảo trong bất kỳ trường hợp nào.
Việc hút được tiền gửi nhiều cũng còn do các yếu tố khác, chẳng hạn như người gửi chỉ quan tâm đến độ thuận tiện về nơi đặt chi nhánh, chất lượng phục vụ, hay có người thì lại do các mối quan hệ…Song có điều chắc chắn rằng, ngân hàng nào có hệ thống càng rộng thì càng dễ hút được tiền gửi vì thế cuộc đua về mở rộng mạng lưới của các ngân hàng vẫn chưa kết thúc.
Một lãnh đạo ngân hàng trong khi đó cho rằng, các con số về huy động vốn mà nhà băng thống kê chưa thể nói được rằng ngân hàng nào huy động hiệu quả hơn ngân hàng nào, mà còn phải căn cứ vào chiến lược hoạt động của họ. Chẳng hạn như ở Vietcombank mục tiêu mở rộng mạng lưới là để gia tăng kênh bán hàng, từ đó tăng thêm lợi nhuận, vì thế việc mở mạng lưới đều được họ cân nhắc kỹ. Vị này cho biết, thậm chí ở Vietcombank còn chuẩn bị áp dụng phần mềm tính toán hiệu quả kinh doanh tới từng phòng giao dịch.
Nhưng với ngân hàng khác, chiến lược của họ là tăng cường huy động vốn cho hoạt động ngân hàng nói chung (trong đó không loại trừ trường hợp bù đắp thanh khoản, thậm chí là phục vụ các doanh nghiệp sân sau) thì việc mở rộng mạng lưới là để huy động chứ không phải để cung ứng dịch vụ. Chính vì vậy, nhìn con số huy động vốn cũng phải nhìn sang cả nguồn đẩy cho tín dụng thì rõ ràng hơn, có nhiều ngân hàng huy động nhiều nhưng cho vay chẳng được là bao.
Và vị này cho rằng, trong công cuộc cạnh tranh về vốn hiện nay, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng lớn, thì cho vay mới là quan trọng, huy động nhiều mà thừa vốn thì cũng chỉ làm cho chi phí trả lãi tiền gửi của họ tăng lên và lợi nhuận giảm đi mà thôi.