Tại buổi họp báo sáng 16/10, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết, ngày 18/10, SCIC sẽ phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), Vinamilk và liên danh tư vấn tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk (roadshow).
Ngày 10/11, tiếp tục bán cổ phần SCIC tại Vinamilk. |
Sau đó, chậm nhất là ngày 21/10, phía SCIC sẽ công bố thông tin về quy chế bán cổ phần và tiến tới buổi chào bán cạnh tranh dự kiến tổ chức tại HoSE vào 10/11. “Thời điểm chào bán cạnh tranh lùi so với kế hoạch khoảng một tuần. Đây là thời điểm tốt để giao dịch và hy vọng đợt chào bán lần này sẽ cho kết quả tốt”, ông Chi nói.
Về mức giá khởi điểm, lãnh đạo SCIC cho biết, cơ quan này hiện đang cùng liên danh tư vấn tính toán và chưa có mức giá. “Chúng tôi dự kiến công bố giá khởi điểm vào sát thời điểm tiến hành đấu giá, có thể cách 7 - 10 ngày”, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết thêm.
Theo ông Chi, nếu công bố giá thời điểm này “sợ rằng thị trường có nhiều biến động, tới lúc đó mức giá công bố lại xa cách với thị trường thì khó đảm bảo.” Đây cũng là kinh nghiệm được rút ra từ đợt bán vốn hồi cuối năm 2016.
Thông tin về những buổi roadshow tổ chức trước đó, ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết, đơn vị này đã cùng phía tư vấn tổ chức 2 buổi roadshow tại Singapore và Hong Kong. Theo ông Thành, buổi roadshow tại Singapore đã có 24 nhà đầu tư quan tâm, tại Hong Kong có 11 nhà đầu tư, tổng cộng có 35 nhà đầu tư quan tâm. Trong số những nhà đầu tư quan tâm, ông Thành cho hay, không ít trong số này là những quỹ đầu tư tài chính lớn như: Blackrock, JPMorgan, Wellington,…
Trước đó, đầu tháng 8/2017, lãnh đạo SCIC đã tiết lộ kế hoạch bán 48,33 triệu cổ phần, tương đương 3,33% vốn Nhà nước tại Vinamilk. Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi tính toán, nếu thị trường tốt, đợt bán vốn 3,33% của Vinamilk có thể giúp thu về 6.500 - 7.000 tỷ đồng. Ông Chi cũng cho biết, việc bán 3,33% vốn sẽ giúp Nhà nước giảm sở hữu tại Vinamilk về 36% thay vì hơn 39,33% như hiện tại.
Ngày 29/9, phía SCIC cho biết thêm, đơn vị này đã hoàn tất việc lựa chọn đơn vị tư vấn cho thương vụ trên. Liên danh tư vấn gồm: UBS AG - Chi nhánh Singapore (UBS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Cuối năm 2016, SCIC đã chào bán 9% vốn của Vinamilk nhưng chỉ bán thành công 5,4%, còn lại 3,6%. Tỷ lệ 3,33% được chào bán trong đợt thứ 2 này nằm trong số 3,6% số vốn còn tồn trên.
Mã VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam cuối giờ giao dịch sáng ngày 16/10 hiện ở mức 149.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, trong 1 tháng qua, VNM đã tăng khoảng 0,4%. Nếu tính dài hơn, trong 1 năm qua, giá VNM đã tăng khoảng 7,2%.
Kết quả kinh doanh mới công bố của Vinamilk cho thấy, 9 tháng năm 2017, Công ty ước lãi sau thuế 8.545 tỷ đồng, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng quý III, Vinamilk ước đạt 13.000 tỷ đồng doanh thu và 2.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8,4% và 5,5% so với quý III/2016.
Năm 2017 VNM đặt kế hoạch doanh thu đạt 51.000 tỷ và lãi ròng 9.735 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, “ông lớn” ngành sữa đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và 87,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Vinamilk hiện được xếp hạng là một trong 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017 và là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam với giá trị lên tới 1,7 tỷ USD do Forbes Việt Nam bình chọn. Công ty liên tục tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong nhiều năm qua, một phần nhờ vào chiến lược đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Đến cuối năm 2016, Vinamilk nắm trên 54% thị phần sữa nước, 40% thị phần sữa bột trẻ em, 80% thị phần sữa đặc, 34% thị phần sữa chua uống, 85% thị phần sữa chua ăn... tại Việt Nam.