Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định, điều này góp phần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nhập khẩu vì không bị ảnh hưởng khi mua USD.
Ngoài ra, tỷ giá ổn định cũng hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp vay USD trực tiếp từ nước ngoài hoặc các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, tỷ giá ổn định lại không tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu vì không có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ, khi doanh nghiệp xuất khẩu 1 lô hàng sang Mỹ và thu về 1 triệu USD, thì tỷ giá ổn định sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa không lời nhiều, nếu tỷ giá tăng thì khi chuyển USD qua VND thì có lợi hơn. Thêm nữa, tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ giảm đi trong điều kiện các nước khác phá giá.
Cụ thể như Trung Quốc, tuần qua phá giá xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Hay với Nhật Bản, từ đầu năm đến nay đồng yên nước này đã phá giá gần 14% so với đồng USD, trong khi VND vẫn đứng yên. Theo đó, nếu hàng hóa Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản cùng xuất đi nước ngoài thì tất nhiên tính cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam bị thua xa rất nhiều.
Từ nay đến cuối năm, tỷ giá VND/USD sẽ bị áp lực vì tỷ giá USD đang đi theo hướng đi lên vì 3 lý do: Thứ nhất, tính từ ngày 17/11, tỷ giá VND/USD đã là 22.470, ngày 18/11 tiếp tục tăng lên thêm 200 đồng/USD là 22.670, vượt trội hơn so với mức tăng của tỷ giá trung tâm. Nguyên nhân là tối 17/11, Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen nói rằng các chính sách của Fed sẽ không phụ thuộc vào các nhà chính trị gia, đặc biệt là tổng thống đắc cử mới là Donal Trump, nên sẽ không tác động tới chính sách của Fed. Và trong thời gian tới, chính sách của Fed sẽ tăng lãi suất USD lên trong cuộc họp cuối năm này.
Và theo số liệu điều tra của các chuyên gia tài chính của Mỹ, gần như 100% các chuyên gia dự đoán là Fed sẽ tăng lãi suất USD vào kỳ họp cuối năm nay. Sau khi có cuộc điều tra này, lập tức chỉ số USD - Index của Mỹ đã tăng lên, từ 100,40 (ngày 17/11) lên 100,64 (ngày 18/11), mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua. Chính vì việc đó đã tác động tỷ giá trung tâm NHNN, buộc tỷ giá trung tâm phải tăng lên và tạo ra một một yếu tố tâm lý cho thị trường, càng đẩy cho tỷ giá VND/USD tăng lên.
Thứ 2, trong rổ 8 đồng tiền trong tỷ giá trung tâm của NHNN thì hầu hết các đồng tiền đều mất giá rất nhiều so với đồng USD, từ 1 -3% trong 1 tuần lễ vừa qua. Một trong những cấu thành của tỷ giá trung tâm là dựa trên sức mạnh của các đồng tiền trong rổ tiền tệ, nên khi các đồng tiền trên mất giá cũng kéo theo VND mất giá. Bởi nếu VND không mất giá thì sẽ không có sự cạnh tranh xuất khẩu với các nước trên thế giới.
Thứ 3, tỷ giá VND/USD khó giữ ổn định đến cuối năm và dự kiến tăng thêm 2%, do nhu cầu xuất nhập khẩu từ nay đến cuối năm. Chưa kể, 10 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu hơn 3 tỷ USD, điều này càng tạo áp lực cho tỷ giá tăng lên. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp bị áp lực trả USD do vay USD khi gần hết hạn hợp đồng.
Tuy nhiên, có một lý do kéo lại tỷ giá bớt áp lực tăng là Thông tư 31 năm 2016 của NHNN trong vấn đề kéo dài thời hạn cho vay ngoại tệ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, theo đó doanh nghiệp được vay thêm 1 năm nữa. Với việc kéo dài áp lực đó giúp các doanh nghiệp giảm áp lực phải mua USD trên thị trường để trả nợ. Ví dụ, những doanh nghiệp nào lỡ vay thì tiếp tục xin gia hạn vay tiếp, không cần phải ngưng hợp đồng hay mua USD trả nợ.
Trước tình hình rủi ro về tỷ giá, các doanh nghiệp sắp hết hợp đồng trả nợ USD thì nên mua USD kỳ hạn, vì Nhà nước chỉ cấm các doanh nghiệp mua USD giao ngay, nhưng với những doanh nghiệp mua USD kỳ hạn thì vẫn khuyến khích. Theo đó doanh nghiệp đăng ký mua USD thời điểm này khi thời điểm tỷ giá chưa tăng mạnh sẽ có lợi hơn đến cuối năm, chỉ trả phí mua USD kỳ hạn nhưng vẫn thấp hơn so với sự rủi ro biến động tỷ giá.
Thứ 2, với những hợp đồng dự kiến cuối năm mới lấy hàng thì doanh nghiệp có thể thương lượng với các đối tác để trả USD bây giờ và cuối năm lấy hàng sau để tránh những rủi ro về tỷ giá.