Nghịch lý quanh chiếc mũ đỏ
Joshua Rojas, 25 tuổi và Alyssa Young, 28 tuổi, đi từ Texas tới Washington để theo dõi lễ nhậm chức. Young đội một chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ với dòng chữ "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Cô nói: "Tôi thích nó ngay từ khi nhìn thấy. Tôi mua nó của một người bán rong với giá 20 USD".
Tuy nhiên, khi được hỏi “Chiếc mũ được làm tại Mỹ phải không?”, Young mới lật chiếc mũ ra để xem thì “Ôi, không! Nó được sản xuất tại Việt Nam". Nhiều người Mỹ như Joshua Rojas sở hữu chiếc mũ đỏ như vậy trong suốt chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Và họ cũng đều ngạc nhiên khi nguồn gốc của mỗi chiếc mũ 20-30 USD ấy lại được sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc hoặc Bangladesh.
Chiếc mũ đỏ được ông Donald Trump đội trong suốt quá trình tranh cử. |
Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Donald Trump đã mạnh mẽ nói: "Từ thời điểm này trở đi sẽ là nước Mỹ trước nhất. Chúng ta sẽ thực hiện hai nguyên tắc đơn giản: Mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ".
Không nói “suông”, ngay sau lễ nhậm chức, Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ tuyên bố một chiến lược thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ... bắt đầu bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hành động này đã hiện thực hóa lời tuyên bố của ông Trump trong suốt quá trình tranh cử.
Thông tin Mỹ rời TPP không mới và cũng không quá “sốc” khi nó đã được ông Donald Trump tuyên bố từ lâu. Các nhà chuyên gia và nhà quản lý thương mại - đầu tư Việt Nam cũng đã từng có nhiều phát biểu về vấn đề này. Tinh thần chung là “không quá lo ngại”. Bản thân các DN Việt khi được hỏi cũng tỏ ra bình tĩnh, vì với họ còn nhiều điều đáng lo hơn một hiệp định còn trên giấy.
Dự một cuộc tọa đàm mới đây, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại đã dự báo việc TPP bị hủy và lưu ý chủ nghĩa bảo hộ đang tăng.
Với việc TPP bị hủy, ông Tuyển cho rằng dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đón đầu TPP sẽ khựng lại. Nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều hiệp định khác để tận dụng và nếu khai thác tốt có thể hóa giải được việc TPP bị hủy cũng như xu hướng bảo hộ. Trong đó, điển hình là hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc và hiệp định Việt Nam – EU.
"Mọi quyết định về thương mại, thuế, xuất nhập cảnh và đối ngoại sẽ đều nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ và gia đình Mỹ. Tân Tổng thống Donald Trump hùng hồn, “Việc bảo hộ hàng nội địa sẽ dẫn đến thịnh vượng và sức mạnh."
“Bảo hộ” là từ được nhắc đi nhắc lại trong suốt năm 2016, từ phong trào Brexit (Anh rời EU) cho đến Mỹ rút khỏi TPP. “Bóng đen bảo hộ” cũng đã bao trùm hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 năm ngoái tại thủ đô Lima, Peru.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Peru Kuczynski đã khẳng định: “Thế giới đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và tôi nghĩ APEC là một diễn đàn rất tốt để có thể chống lại điều đó”.
Tiếp đến, các lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định quyết bảo vệ tự do thương mại và chống lại bảo hộ mậu dịch.
Bảo hộ có xấu?
Nhắc đến chủ nghĩa bảo hộ, ông Lê Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: Trước đây ta e ngại chủ nghĩa bảo hộ, nghe đến bảo hộ như là bảo thủ, trì trệ, không chấp nhận đổi mới. Nhưng việc bảo hộ ở mức độ hợp lý và phù hợp cam kết quốc tế là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và DN trong nước. Khi đó, bảo hộ không có gì xấu.
Thực tế, lâu nay, các nước vẫn áp dụng các biện pháp bảo hộ bằng hình thức này hay hình thức khác. Việt Nam hội nhập cũng phải tính đến biện pháp bảo vệ hàng trong nước bằng hàng rào kỹ thuật như phòng vệ thương mại, chống phá giá, chống trợ cấp…
Tiếc thay, những “vũ khí” được WTO trao cho Việt Nam vẫn chưa áp dụng tốt nhất. |
“Từ năm 2002 đến nay con số Việt Nam khởi kiện chưa quá 10 vụ nhưng ta phải chịu hơn 100 vụ kiện. Cho nên thị trường nước ta đang để trống và không có cách bảo hộ DN hợp lí. May mắn là chưa có hậu quả lớn”, ông Hải cho biết.
Trả lời PV.VietNamNet về xu hướng bảo hộ, ông Dương Văn Tâm, phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho rằng: Sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan tràn sang Việt Nam nhiều với giá khá rẻ. Điều đó đặt ra vấn đề phải có biện pháp ngăn cản sự thâm nhập của những sản phẩm đó khi giá cả quá rẻ. Nếu để tràn vào thì khỏi phải nghĩ là nền công nghiệp nhỏ của Việt Nam đứng làm sao được.
Nhưng ông Tâm cũng thừa nhận việc bảo hộ có mặt thứ hai. Đó là nếu ông nào cũng cứ bảo hộ nền sản xuất trong nước, để sản phẩm của ông tốt lên thì sản phẩm của quốc gia khác và trên thế giới lại không thể thâm nhập vào các thị trường.
“Ông nào cũng khư khư đóng cửa biên giới, thì sản phẩm thế giới không luân chuyển được”, ông Dương Văn Tâm chia sẻ, “Cho nên căn chỉnh giữa bảo hộ và tạo thuận lợi, giao lưu hàng hóa là một bài toán cân não. Phải có quyết sách cho chuẩn, chính xác”.