Biến chủng Covid-19 có tên Delta hoành hành, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với số các ca F0 tăng vọt từng ngày, nhiều địa phương áp dụng biện pháp nghiêm ngặt theo chỉ thị 16 này chưa kịp gỡ bỏ, nhiều địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp, kéo dài thời gian “ai ở đâu ngồi yên đó” để dồn sức chống dịch.
Khi mà, các chợ đầu mối và chợ truyền thống của TP Hồ Chí Minh xuất hiện các ca F0 và bắt đầu bị phong toả, gánh nặng nguồn cung hàng hóa đổ lên hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, nơi vốn chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu hàng hoá thiết yếu của người dân.
Tổ Công tác khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như công tác chống dịch các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Ảnh: moit.gov.vn
Tổ Công tác đặc biệt…
Làm gì để đáp ứng đủ nhu cầu hàng hoá, nhất là hàng hóa thiết yếu cũng như cung cấp đủ điện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam? Câu trả lời từ Bộ Công thương là ngày 17/8/2021, Tổ Công tác đặc biệt phía Nam được thành lập“cắm chốt” ngay tâm dịch.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngay sau khi thành lập, Tổ công tác đã lập địa chỉ email của Tổ công tác: totienphuongbct@moit.gov.vn, số điện thoại đường dây nóng: 0976.695.965, cung cấp cho các Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, kết nối cung cầu hàng hóa; Cung cấp danh sách các đầu mối liên hệ cung ứng các mặt hàng nông sản tại các tỉnh thành phía Nam cho các hệ thống phân phối.
Công tác kết nối cung cầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Hệ thống Bách Hóa Xanh tiêu thụ 8.450 tấn hoa quả các loại (thanh long, dưa hấu, nhãn, chuối…); Aeon Việt Nam tiêu thụ thanh long 15 tấn/ngày; VN Post tiêu thụ 300 tấn nhãn, thực phẩm tươi sống: 100 tấn; Rau, củ, quả địa phương và các loại trái cây khác: gần 1.000 tấn;…
Ngoài ra Vinmart, Viettel Post, VN Post cũng đang tích cực thu mua các mặt hàng nông sản tại các tỉnh phía Nam để phục vụ các chương trình bán hàng, chương trình hỗ trợ người dân khó khăn…
Bên cạnh đó, Tổ công tác đang trao đổi với Vincommerce để xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện Tuần lễ nông sản- đặc sản miền Tây tại thị trường trong nước. Đồng thời, Tổ công tác liên tục kết nối các đơn vị mua hàng xuất khẩu đi các thị trường đối với các sản phẩm nông sản phía Nam như: xoài, sầu riêng, thanh long...
Tổ Công tác đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như công tác chống dịch các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương 19 tỉnh thành phía Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam để nhân rộng mô hình tổ chức các hệ thống phân phối dã chiến (điểm bán hàng/xe bán hàng lưu động, “mang chợ ra phố”, bán hàng online, bán theo Combo, đi chợ hộ…)
Cùng với đó là gắn kết liên ngàn ngành với Tổ Công tác Đặc biệt của Chính phủ, Ban chỉ Đạo phòng Chống Covid-19 Trung ương, các Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội...) nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc.
Tổ Công tác ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân về cung ứng hàng hóa thiết yếu. Ảnh: moit.gov.vn
… Trên tuyến đầu chống dịch
Trên cơ sở đề xuất của Tổ công tác, Chính phủ cũng đã rất quyết liệt khi chỉ hai ngày sau vào ngày 29/7/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn chính thức truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Từ 0 giờ ngày 30/7/2021: Xe chở hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu có mã QR Code sẽ không bị kiểm tra. Đồng thời nhất quán quan điểm trừ các hàng hóa, dịch vụ cấm, còn lại tất cả các sản phẩm, hàng hóa khác đều được “tạo luồng xanh” di chuyển vào thành phố, tới các điểm nằm trong diện giãn cách xã hội…
Bộ Công Thương đã liên tiếp có những đề xuất “cần ưu tiên” tiêm vaccine cho hệ thống phân phối bán lẻ, cho đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh, và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu... nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tròn một tháng hoạt động trong tâm dịch, các cán bộ của Tổ công tác đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với nhiều sáng kiến, ý tưởng, đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các giải pháp kịp thời như đề xuất cơ chế đặc thù Viettel Post và VN Post vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời Tổ Công tác đã liên hệ với nhiều đơn vị có liên quan để tìm nguồn giường gấp, giường tầng, giường đơn... cho Thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tổ Công tác đã ghi nhận phản ánh hàng loạt vướng mắc của mô hình “3 tại chỗ”, để có kiến nghị bổ sung người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên tiêm phòng; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ; đề nghị Bộ Y tế bổ sung các hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế có Văn bản đề nghị các tỉnh, thành ướng dẫn các đơn vị tự xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả trên hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế và phù hợp tình hình dịch thực tế tại địa phương.