NHNN từng khẳng định, mua lại NHTMCP yếu kém với giá 0 đồng “không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước, không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước”. Thế nhưng, chuyện mua ngân hàng 0 đồng có ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước hay không cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Bởi trên thực tế, tổng giá trị thực của các ngân hàng này khi được mua lại là âm hàng chục ngàn tỷ đồng. Nghĩa là mặc dù Nhà nước không phải bỏ tiền ra mua nhưng phải gánh nghĩa vụ trả nợ cho người gửi tiền, trong khi tiền đã cho vay thì gần như không thu hồi được. Ngoài ra, “với vai trò là người cho vay cuối cùng trong nền kinh tế, NHNN vẫn phải tốn chi phí cho những ngân hàng 0 đồng này” - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn đánh giá.
|
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh OceanBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt |
Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước đánh giá, động thái mua lại các ngân hàng 0 đồng có thể tạo nên tâm lý ỷ lại trong khối ngân hàng tư nhân. Chưa kể, việc mua lại này là phi thị trường, dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Các TCTD bị mua 0 đồng thời gian qua do đã thuộc sở hữu của NHNN nên sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, các sản phẩm nghiệp vụ sớm được tháo gỡ, cơi nới mở ra nhanh hơn.
Xử lý sớm
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, DN yếu kém. Trong bối cảnh này, câu chuyện cho phá sản ngân hàng một lần nữa lại được chú ý đến. Thực tế, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD trình Quốc hội lần này đã không còn đề cập đến việc mua lại 0 đồng mà chỉ nói đến bốn phương án khác trong tái cơ cấu ngân hàng yếu kém gồm: Phục hồi, giải thể, chuyển giao bắt buộc và phá sản.
Theo giải trình của NHNN, việc chuyển giao bắt buộc tương tự như bán lại ngân hàng với giá 0 đồng nhưng điểm khác là không phải NHNN mua lại, mà nhà đầu tư khác có năng lực tài chính tốt để họ quản lý, tái cơ cấu, phục hồi lại. “Chuyển giao bắt buộc là biện pháp cuối cùng để xử lý khi NHTM yếu kém không thể thực hiện được phương án phục hồi hay giải thể và cũng không thể thực hiện được phương án phá sản do ảnh hưởng đến an toàn, hoạt động của hệ thống cũng như an ninh tiền tệ quốc gia” - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng bày tỏ.
Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Ngô Văn Tuấn cho rằng, giải thể hay phá sản là thuận theo quy luật thị trường và cũng đã được Chính phủ nhiều lần đề nghị cho nghiên cứu thử nghiệm. Mặc dù vậy, phá sản ngân hàng có lẽ chưa thể thực hiện trong vài năm tới do thiếu các hành lang pháp lý, kịch bản xử lý, nguồn lực tài chính nên mới có phương án chuyển giao bắt buộc. Quy định này không trái với Luật DN, nhưng phải làm rõ nội hàm điều kiện nào phải chuyển giao bắt buộc.
Việc thực hiện chuyển giao bắt buộc chỉ được áp dụng trên cơ sở đề xuất tự nguyện của bên nhận chuyển giao. Trường hợp có hơn một nhà đầu tư (NĐT) đề nghị nhận chuyển giao, từng NĐT phải xây dựng phương án và NHNN sẽ xem xét trên cơ sở đánh giá tính khả thi, hiệu quả của từng phương án để lựa chọn NĐT tốt nhất. Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |